Tại huyện Phú Lộc: Tại lô 24, khoảnh 2, tiểu khu 219 - thuộc địa bàn xã Xuân Lộc (khu vực giáp ranh thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn - huyện Phú Lộc).Ngoài ra, còn phát hiện rải rác sâu ở một số địa phương khác như xã Lộc Hòa, xã Lộc Bổn. Diện tích có sâu xuất hiện: 05 ha
Tại huyện Nam Đông: Xuất hiện sâu hại tại khu vực rừng trồng thuộc thôn Hà An, thôn Phú Mậu, xã Hương Phú. Diện tích có sâu xuất hiện: khoảng 50-60 ha
Sâu tập trung gây hại chủ yếu lá non, lá bánh tẻ trên rừng keo (1-3 tuổi), tổng diện tích gây hại 55ha. Tại thời điểm kiểm tra thì mật độ sâu thấp khoảng 3-5con/cây, sâu đang giai đoạn tuổi 5-nhộng, một số đã bị Ong ký sinh tiêu diệt, hiện tại cây Keo đã hồi phục đang ra lá mới.
Sâu gây hại tại các khu rừng trồng nói trên được xác định là sâu nâu vạch xám (Speiredonia retorta Linnaeus); bộ Cánh vẩy (Lepidoptera); họ Ngài đêm (Noctuidae). Trưởng thành cái có thể đẻ từ 1.500 – 2000 trứng, sâu non có các vân đen hình tròn riêng biệt nằm ở giữa đốt; có những vạch xám chạy dọc cơ thể. Sâu non tuổi nhỏ ăn lá non, ở các tuổi sau ăn các lá bánh tẻ và lá già, sâu non thường chọn đầu lá để ăn trước. Chúng thường gây hại từ 18h30 đến sáng hôm sau, khoảng 4h30 sâu non lại bò xuống nằm ở khe nứt của vỏ cây trong khu vực cách mặt đất 1-2m hoặc nằm ẩn dưới lá keo khô trong khu vực quanh gốc cây có bán kính từ 0,5-1m nên rất khó phát hiện, sâu nôn vào nhộng ngay trên mạt đất hoặc dưới lớp lá khô.
Để phòng trừ sâu nâu vạch xám và một số loài sâu ăn lá khác trên rừng Keo cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:
1.Biện pháp kỹ thuật lâm sinh:
Trước khi trồng làm đất kỹ, trồng đảm bảo mật độ, tỉa cành tạo độ thông thoáng, đốt dọn vệ sinh thảm thực bì, chăm sóc, kết hợp làm cỏ, bón phân và xới đất xung quanh gốc cây để phát hiện, tiêu diệt sâu non, nhộng của sâu nâu vạch xám cư trú dưới lớp lá keo khô.
2. Biện pháp vật lý cơ giới:
- Bẫy dính: Sâu non của sâu nâu vạch xám có tập tính di chuyển theo thân cây qua lại giữa nơi cư trú vào ban ngày và nới lấy thức ăn vào ban đêm nên có thể sử dụng biện pháp ngăn chặn sâu bằng vòng dính. Sử dụng keo dính chuột làm vòng dính. Để vòng dính phát huy hiệu quả keo phải được bôi kín toàn bộ vùng thân cây cách mặt đất 1,3m với bề rộng 8-10cm.
- Bắt giết thủ công: Khi sâu nâu vạch xám có nguy cơ phát dịch, mật độ tăng cao khi cây keo khi cây keo đang ở giai đoạn tuổi nhỏ (dưới 4 năm tuổi), có thể huy động nhân lực tham gia vào việc bắt giết sâu non, các ổ trứng trên cây và kén sâu nằm dưới lớp lá khô đem đốt, tiêu hủy để hạn chế mật độ.
3. Biện pháp sinh học:
- Bảo vệ các loài thiên địch sẵn có trên vườn keo của sâu nâu vạch xám bằng cách hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tang cường sử dụng các chế phẩm sinh học, bảo vệ tầng cây bụi thảm tươi đế có nơi cho thiên địch trú ngụ.
- Sâu nâu vạch xám: Có nhiều thiên địch như côn trùng ăn thịt thuộc bộ bọ ngựa (Mantodea), họ kiến (Formicidae), động vật ăn sâu bọ như bò sát, lưỡng cư, côn trùng ký sinh như ong kén cánh tím (Meteorus narangae Sonan), ong kén nâu vàng (Cadria paradoxa Wilkinson), ruồi ký sinh (Exorista sorbillans Wiedemann, Withemia diversa Malloch). Trong số các loài thiên địch kể trên như Kiến, ong kén cánh tím và ruồi ký sinh có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát sâu nâu vạch xám. Ong kén cánh tìm làm cho sâu non chết hang loạt, kén của loài ong này có thể bám dính trên thân hay lá cây. Ruồi ký sinh gây bệnh chết cho sâu non tuổi lớn và nhộng.
4. Biện pháp hóa học:
- Hiện nay chưa có thuốc BVTV đăng ký trong danh mục để phòng trừ các đối tượng sâu hại trên rừng trồng keo.
- Khi điều tra phát hiện mật độ sâu từ 35-70con/cây có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu sinh học như: Dylan 2.0EC, Virtaco 40WG,… để phun trừ, chú ý phun khi sâu mới nở tuổi từ 1-2, hoặc sử dụng chế phẩm sinh học VBTUSA 16000IU/MG để phun trừ nhằm bảo vệ thiên địch ký sinh, giảm ô nhiễm môi trường.