Theo đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, tăng cường chỉ đạo kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó với thiên tai. Trong đó, lưu ý các phương án: di dời sơ tán Nhân dân các vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phòng chống lụt bão vùng hạ du các công trình thủy lợi, thủy điện và phương án đảm bảo an toàn cho ngư dân đầm phá ven biển.
Cùng với đó, chỉ đạo Chủ đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông, cấp thoát nước đang thi công trên địa bàn có phương án đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thiết bị vật tư thi công, đồng thời cảnh báo cho người dân biết các khu vực nguy hiểm để phòng tránh các tai nạn có thể xảy ra; nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống thoát nước tránh ngập úng cục bộ xảy ra.
Ngoài ra, các huyện, thị xã và thành phố Huế, đặc biệt là huyện Nam Đông và A Lưới cần rà soát phương án dự trữ lương thực, thực phẩm; chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch..., tối thiểu 7 ngày cho gia đình, không để thiếu đói khi lụt bão xảy ra chia cắt.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng yêu cầu, điện lực Thừa Thiên Huế triển khai kiểm tra phương án an toàn lưới điện, nhất là ở vùng thấp trũng, ven biển đầm phá; Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình BTS, hệ thống ăng ten, đảm bảo an toàn cho công trình, tính mạng và tài sản của các tổ chức, cá nhân trong mùa mưa bão. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát phương án phòng chống thiên tai tại cơ quan, đơn vị mình để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả với các tình huống thiên tai.