Phó cục trưởng Cục phòng chống thiên tai - Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Đức Quang (đứng) phát biểu tại buổi làm việc
Trong đợt mưa lũ cuối mùa (từ ngày 11 đến 18/12) vừa qua đã làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo thống kê sơ bộ của ngành Nông nghiệp, toàn bộ diện tích mạ đã gieo và giống lúa ngâm ủ phục vụ 3.000 ha giống lúa dài ngày bị thiệt hại 100%; hơn 900 ha rau màu các loại thiệt hại 100%; hơn 26 ha trồng hoa và trên 125 nghìn chậu hoa phục vụ tết bị ngập úng.
Mưa lũ cũng làm sạt lở bờ sông Hương với tổng chiều dài gần 6 km; hơn 10 km bờ biển tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Hệ thống đê bao và kênh mương thủy lợi bị vỡ nhiều đoạn và hư hại nặng, hiện nước chưa rút nên chưa thống kê hết mức độ thiệt hại. Ước tổng thiệt hại do các đợt mưa lũ gây ra đối với Thừa Thiên Huế là 357 tỷ đồng.
Trong vụ Đông Xuân 2016-2017, tỉnh Thừa Thiên Huế gieo cấy hơn 28.000 ha lúa, do đợt mưa lũ vừa qua, đến ngày 20/12, toàn tỉnh có hơn 13 nghìn ha đất gieo trồng vẫn đang còn bị ngập sâu trung bình từ 0,5 - 0,7m. Hiện tại, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tiến hành rà soát toàn bộ diện tích lúa vụ Đông Xuân để chuyển đổi gieo cấy giống lúa ngắn ngày; đối với diện tích rau màu và hoa sẽ hướng dẫn bà con nông dân ngăn vùng tiêu nước và chăm sóc để không gây tình trạng khan hiếm rau trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Để kịp thời khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017, trước mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho nhân dân vùng bị ngập lụt, 250 tấn lúa giống ngắn ngày, 10 tấn ngô giống, 5 tấn giống rau đậu các loại…hỗ trợ trên 103 tỷ đồng để bơm nước tiêu úng, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng. Về vệ sinh môi trường và phòng dịch đề nghị cấp 20 tấn Clorine xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, 20 nghìn lít thuốc khử trùng (hóa chất Benkocid)…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Khắc Đính phát biểu tại buổi làm việc
Ghi nhận toàn bộ các ý kiến đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế, các thành viên Đoàn công tác đề nghị căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa bàn, tỉnh cần đề xuất hỗ trợ cụ thể các loại giống lúa, ngô và các loại giống rau, đồng thời chủ động lấy nguồn giống của các Công ty giống cây trồng ở khu vực cho bà con nông dân kịp thời xuống giống đối với các diện tích nước đã rút có thể gieo xạ được; chú ý việc xử lý môi trường, nhất là môi trường nuôi trồng thủy sản sau lũ lụt để tránh thiệt hại cho việc nuôi trồng tiếp theo…
Phó cục trưởng Cục phòng chống thiên tai Nguyễn Đức Quang đánh giá cao công tác chỉ đạo và triển khai phương án ứng phó thiên tai của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như đã có những giải pháp khôi phục sản xuất, xử lý môi trường và phòng dịch bệnh sau lũ từ chỉ đạo sâu sát tới địa phương, cơ sở và đã có kế hoạch đề xuất hỗ trợ về giống cây trồng. Trước mắt, tỉnh cần làm ngay việc khôi phục bờ vùng bờ thửa hay những đoạn đê bao bị hư hại, chuẩn bị sẵn sàng phương án trạm bơm điện để khi có thể là tiêu nước ngay; phương án làm đất và nguồn giống phải chuẩn bị sẵn sàng khi nước rút; đặc biệt là sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương là hết sức cần thiết, bởi nếu chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương thì nó sẽ ảnh hưởng đến thời vụ.
Trước đó, vào chiều ngày 20/12, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất tại huyện Phú Vang./.