Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm
Ngày cập nhật 23/05/2017

Ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành Chỉ thị số 3005/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và PTNT dẫn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cho hay, trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường tại nhiều địa phương. Cụ thể, giết mổ lợn chết, lợn bệnh để chế biến thực phẩm tại Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Long An, Bến Tre; Giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến sản phẩm động vật tại các cơ sở, địa điểm không có giấy phép hoạt động và không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hoặc không được kiểm soát thú y tại Hà Nam, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh; Tiêm thuốc an thần, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ để gian lận thương mại và gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng tại Bình Dương,  Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang; Vứt xác động vật ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh động vật tại Hưng Yên, Cao Bằng.

Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại nhiều địa phương còn nhiều tồn tại, bất cập và chưa hiệu quả. Cụ thể: Các vụ việc nêu trên đã diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian dài, nhưng vẫn chưa được chính quyền và các cơ quan liên quan của địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật về thú y và an toàn thực phẩm.

Để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập và chưa hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ tập trung triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy định của Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị số 13/2016/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về  việc tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, cần chú trọng một số nội dung chính sau:

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện, xã thực hiện các nội dung:

- Nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm; vứt xác động vật ra ngoài môi trường theo quy định tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 và khoản 18 Điều 13 của Luật Thú y;

- Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật không được giết mổ động vật bị chết, bị bệnh để chế biến làm thực phẩm hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc, gia cầm để gian lận thương mại, biến động vật chết, mắc bệnh thành thực phẩm, đặc sản...; Không được vứt xác động vật ra môi trường. Khi phát hiện động vật chết, mắc bệnh phải khai báo với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã để kiểm tra;

- Bố trí địa điểm xử lý, tiêu hủy động vật chết, mắc bệnh bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, nhất là các địa phương có nhiều hoạt động buôn bán, chăn nuôi gia súc, gia cầm;

- Chấn chỉnh công tác kiểm dịch vận chuyển tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; tập trung kiểm tra các điểm thu gom (kể cả điểm tập kết, tắm lợn) tại các tỉnh để phát hiện gia súc bị bệnh hoặc không đảm bảo vệ sinh thú y (bị bơm nước, sử dụng chất cấm, tiêm thuốc an thần...) theo quy định tại khoảng 1 và khoản 20 Điều 13 Luật Thú y; phải có biện pháp xử lý chất thải, nước thải trong quá trình vận chuyển, thu gom, tập kết, tắm lợn bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định tại khoản 3 Điều 70 và điểm d khoản 3 Điều 71 của Luật Thú y;

- Chấn chỉnh công tác quản lý giết mổ, chế biến thịt tại các cơ sở giết mổ động vật, chế biến sản phẩm động vật nhỏ lẻ, tập trung vào các tỉnh miền Bắc và các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi giết mổ động vật, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật bị chết, bị bệnh làm thực phẩm theo quy định tại khoản 18 Điều 13 Luật Thú y;

- Chấn chỉnh ngay công tác thanh tram, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm; chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật, cơ sở sơ chế, chế biến, kho bảo quản sản phẩm động vật trên địa bàn;

- Làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật lĩnh vực thu y, an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Các Bộ, ngành liên quan:

a) Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các tỉnh, thành phố:

- Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, thú y và chính quyền cơ sở để lập chuyên án đấu tranh, triệt phá tận gốc các tổ chức, đường dây có hành vi buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để chế biến làm thực phẩm, động vật bị bơm nước, tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ; đặc biệt chú trọng kiểm tra các cơ sở giết mổ trái phép, cơ sở thu gom động vật, điểm trung chuyển gia súc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm;

- Trường hợp phát hiện vi phạm, thực hiện đồng bộ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, bao gồm hình thức phạt tiền với mức tối đa, tiêu hủy, chuyển mục đích sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, xử lý gian lận thương mại; trường hợp vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng cần xem xét xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

b) Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, thanh tra chuyên ngành của địa phương tăng cường công tác kiểm tra tại đầu mối giao thông, cơ sở giết mổ, thu gom, điểm tập kết, trung chuyển động vật.

c) Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y và UBND các cấp trong công tác kiểm soát vận chuyển động vật; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh hoặc vứt bỏ động vật chết trên địa bàn.

Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT:

a) Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan: Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn địa phương thực hiện quy định về kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Tổng hợp những tồn tại, vướng mắc và vi phạm trong công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y để báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT xử lý kịp thời;

b) Thanh tra Bộ phối hợp với Cục Thú y tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện việc giết mổ động vật chết, mắc bệnh để chế biến làm thực phẩm; vứt xác động vật ra môi trường; giết mổ động vật không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm để chấn chỉnh, xử lý kịp thời./.

 

Nguồn: omard.gov.vn

Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.362.854
Truy câp hiện tại 14.804