HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN BÀN GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM NĂM 2021
Ngày cập nhật 17/07/2021

Sáng 16/7, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” với 28 tỉnh, thành phố ven biển toàn quốc. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Giám đốc Nông nghiệp và PTNT Trương Văn Giang và đại diện các ban, ngành liên quan.

Năm 2020, ngành tôm tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 900.000 tấn (tăng 12 % so với cùng kỳ năm 2019), trong đó tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019).

Sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ 6 tháng đầu năm 2021 đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2020, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 3.325 ha, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 560 ha, tăng 6,7% so với cùng kỳ; Diện tích nuôi tôm sú 2.595 ha, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Sản lượng tôm nước lợ là 6.603 tấn, trong đó tôm sú 1.350 tấn, tôm chân trắng 4.950 tấn.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 757 ha, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó diện tích nuôi tôm sú 360 ha, tăng 3,4%; Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt 346 ha, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Sản lượng tôm nước lợ đạt 2.503 tấn, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước…

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng nuôi tôm nước lợ tập trung phù hợp với thực tiễn và theo quy định. Hình thành 1 số vùng nuôi áp dụng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến; vùng nuôi sinh thái, nuôi hữu cơ,… và hỗ trợ quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Đồng thời hợp tác các viện, trường để chuyển giao các công nghệ, thực hiện mô hình nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm giá thành, hiệu quả cao,…

Để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của ngành tôm trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị triển khai các giải pháp sau:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật thuỷ sản 2017, đặc biệt là quan tâm chỉ đạo triển khai đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng).

- Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

- Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

- Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.

- Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản, lấy phương châm phòng là chính, chống cần quyết liệt, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan.

- Tổ chức hướng dẫn, xây dựng cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh, hướng tới an toàn sinh học cũng như triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn cho tôm, ổn định sản xuất.

Ông Trương Văn Giang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trị hội nghị tại điểm cầu tỉnh TT Huế

                                                                                                                                                                                                                                                                              Hồ Thị Như Trang

       
Các tin khác
Xem tin theo ngày