Một số nội dung chủ yếu của Quyết định như sau:
1. Quan điểm phát triển:
a) Phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Quy hoạch thủy lợi khu vực miền Trung giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng.
b) Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và giảm thiểu đến mức tối đa các rủi ro thiên tai do nước gây ra.
c) Từng bước nâng mức đảm bảo cấp nước cho nông nghiệp từ tần suất 75% hiện tại lên 85%. Những công trình xây mới tính với mức đảm bảo cấp với tần suất 85%.
d) Từng bước nâng cao khả năng chống lũ, bão, triều của các tuyến đê cửa sông, đê biển.
đ) Chọn bước đi đầu tư xây dựng công trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - nước biển dâng.
2. Mục tiêu phát triển:
a) Mục tiêu tổng quát:
- Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn nước, chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Từng bước hoàn thiện hạ tầng hệ thống công trình thủy lợi; hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; thực hiện nội dung về tái cơ cấu ngành thủy lợi; góp phần xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường, giảm thiểu các thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực do nước gây ra đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong tương lai.
- Là cơ sở để các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển thuỷ lợi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo giai đoạn phát triển kinh tế từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
b) Mục tiêu cụ thể:
b.1) Phấn đấu đến năm 2025:
+ Về cấp nước: Đảm bảo cấp nước cơ bản cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức đảm bảo P= 85%; cấp nước tưới chủ động cho 31.460,3ha diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản, bằng 90% diện tích yêu cầu tưới; góp phần tạo nguồn nước cấp cho dân sinh và cải tạo môi trường.
+ Đảm bảo tạo nguồn cấp nước cho các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
+ Về tiêu thoát nước: Đảm bảo tiêu thoát nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với tần suất P=10%; cùng với hệ thống thoát nước đô thị đảm bảo tiêu thoát nước cho 502.629,5 ha diện tích tiêu tự nhiên của toàn tỉnh. Trong đó, tiêu tự chảy cho 492.347,5ha; tiêu bằng động lực cho 10.282ha.
+ Về chống lũ: Chống lũ chính vụ cho thành phố Huế với tần suất P=5%; đảm bảo chống lũ hiệu quả cho hạ du sông Hương - sông Ô Lâu có xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
b.2) Định hướng đến năm 2035:
+ Về cấp nước: Tiếp tục phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo cấp nước theo yêu cầu phát triển nông nghiệp với loại hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị sinh thái; phát triển hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng. Đảm bảo tưới ổn định cho phần diện tích còn lại là 13.483ha diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản.
+ Về tiêu thoát nước: Phát triển hệ thống thủy lợi khớp nối với hệ thống thoát nước đô thị đảm bảo tiêu tự chảy 488.777,7ha, tăng diện tích tiêu bằng động lực lên 13.908,8ha để đảm bảo tiêu triệt để cho toàn bộ 502.629,5ha diện tích tiêu tự nhiên của toàn tỉnh.
+ Về chống lũ: Đảm bảo chống lũ hiệu quả cho hạ du sông Hương - sông Ô Lâu có xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
+ Xâm nhập mặn: Đảm bảo các giải pháp đẩy mặn, ngăn mặn tạo nguồn nước ngọt để đảm bảo sản xuất và cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản cho vùng đồng bằng ven biển.
Toàn văn nội dung của Quyết định có file đính kèm./.