Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Triển khai quy hoạch và xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 07/02/2013

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm (GS, GC) tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc vừa qua, 26 tỉnh đang xây dựng quy hoạch và chưa quy hoạch giết mổ cần tham khảo chính sách, kinh nghiệm tổ chức thực hiện của các nơi khác; nhất là TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế. Kết quả hệ thống cơ sở giết mổ GS, GC trên địa bàn tỉnh TT- Huế đã có những bước phát triển về quy hoạch xây dựng và quản lý ngày càng bền vững góp phần khống chế dịch bệnh, cung cấp thực phẩm an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái cho nhân dân.

 

 Những năm 1995 - 1997, toàn tỉnh có trên 680 điểm giết mổ GS. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, từ năm 1995 đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành việc quy hoạch, xây dựng, đưa GS, GC vào giết mổ với 36 cơ sở tập trung. Tất cả GS, GC tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh đều được ngành Thú y tỉnh kiểm soát giết mổ và lăn dấu trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Hằng đêm, toàn tỉnh có tổng số GS giết mổ bình quân 1.300 lợn và 60 trâu, bò. Tỉnh tổ chức quy hoạch, xây dựng ba cơ sở giết mổ GC tập trung và sáu điểm giết mổ nhỏ lẻ giết mổ trên 1.500 con/ngày, góp phần chủ động phòng, chống dịch cúm GC cũng như cung cấp sản phẩm an toàn dịch bệnh cho người tiêu dùng, nhất là ở Huế và các vùng phụ cận. Tỉnh đã hình thành và ổn định các điểm bán GC sống tại các chợ nông thôn, qui hoạch các quầy bán sản phẩm này tại các chợ ở khu vực TP và thị trấn.

 

 

   Tại các chợ, cán bộ kiểm tra vệ sinh thú y (VSTY) thường xuyên kiểm tra và xử lý những trường hợp buôn bán thịt GS,GC không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm soát giết mổ. Các ngành Nông Nghiệp và PTNT, Công an, Quản lý thị trường, Y tế, Tài nguyên và Môi trường phối hợp đồng bộ trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành định kỳ, đột xuất để kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, giết mổ GS,GC trên địa bàn tỉnh.

 

 

Có thể đánh giá về công tác này từ kết quả quy hoạch xây dựng cơ sở giết mổ, quản lý và kiểm soát giết mổ, quản lý vận chuyển kinh doanh thịt GS, GC trên địa bàn tỉnh:

 

 

Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, hàng năm, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý giết mổ GS tập trung đều được tổng kết đánh giá và tiếp tục được chỉ đạo phối hợp đồng bộ. Các ngành Nông Nghiệp và PTNT, Công an, Quản lý thị trường, Y tế, Tài nguyên và Môi trường... có sự phối hợp trong việc kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, giết mổ GS trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Nông Nghiệp và PTNT (Chi cục Thú y tỉnh) trong việc tổ chức quy hoạch, xây dựng và quản lý cơ sở giết mổ GS,GC tập trung còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ GS tập trung. Điều quan trọng là nhận thức của người dân trong việc lựa chọn tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc động vật đã qua kiểm soát của cơ quan thú y.

 

 

Mặc dù vậy, vấn đề tồn tại là đa số các cơ sở giết mổ GS,GC trên địa bàn tỉnh đều do các tổ chức cá nhân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nên việc đầu tư vào khâu xử lý chất thải của một số nơi chưa tương xứng với quy mô giết mổ hiện nay, cần được đầu tư thêm từ các tổ chức, dự án hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Một số cơ sở địa điểm quy hoạch chưa ổn định, nên khó khăn cho đơn vị quản lý đầu tư nâng cấp đảm bảo các điều kiện VSTY. Việc tổ chức, quản lý giết mổ GC mới thực hiện bước đầu, chưa được đầu tư trang thiết bị hiện đại, bảo đảm các điều kiện VSTY cần được đầu tư nâng cấp trong thời gian tới. Trình độ nhận thức, kiến thức chuyên môn của các chủ kinh doanh, giết mổ và công nhân tham gia giết mổ về công tác ATVSTP có nguồn gốc động vật còn nhiều hạn chế cần được quan tâm tập huấn.

 

 

Để tăng cường công tác quản lý giết mổ GS,GC tập trung, bảo đảm ATVSTP, các giải pháp về quy hoạch giết mổ này trong thời gian tới sẽ được tiếp tục thực hiện theo hướng chất lượng và bền vững hơn

 

 

Sắp đến, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 30/2005/CT-TTG ngày 26-9-2005 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác quản lý giết mổ GS,GC bảo đảm ATVSTP, Quyết định 122/2009/QĐ-UBND ngày 15-1-2009 của UBND tỉnh ban hành quy định về quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển, mua bán GS,GC và sản phẩm này trên địa bàn tỉnh, Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý Nhà nước chuyên ngành Thú y tỉnh (giai đoạn 2010 - 2015) và Công văn 5237/UBND-NN ngày 25-12-2011 của UBND tỉnh quy hoạch điểm giết mổ GS,GC tập trung. Đặc biệt, UBND tỉnh tích cực triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành về việc quy hoạch xây dựng và quản lý giết mổ vận chuyển, kinh doanh thịt GS,GC.

 

 

Sau khi các huyện, thị xã, TP Huế hoàn chỉnh việc rà soát đề án phê duyệt điều chỉnh qui hoạch giết mổ GS,GC tập trung, UBND tỉnh sẽ phê duyệt Đề án qui hoạch giết mổ GS,GC tập trung toàn tỉnh đến 2020. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các huyện, thị xã và TP phối hợp với các ngành chức năng, xây dựng các cơ sở giết mổ GS tập trung có tính bền vững lâu dài, có chính sách hỗ trợ về vốn cho các cơ sở đầu tư dây chuyền giết mổ treo và xử lý chất thải. Ngoài việc tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích các đối tác đầu tư, sửa chữa, nâng cấp điều kiện VSTY các lò mổ, điểm giết mổ GS tập trung đang hoạt động, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành phối hợp đồng bộ các cấp tăng cường thanh kiểm tra công tác kiểm dịch, kiểm soát  giết mổ, kiểm tra VSTY đảm bảo VSATTP có nguồn gốc động vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 

* Để tạo bước chuyển biến cơ bản về quản lý giết mổ, vận chuyển, kinh doanh thịt GS,GC gắn với việc bảo đảm ATVSTP, T.Ư cần tiếp tục quan tâm hoạt động này:  

 

Trước hết, tỉnh đề nghị T.Ư tiếp tục có những văn bản chỉ đạo về mặt chủ trương, biện pháp và có những giải pháp về kiến trúc, kỹ thuật, quy mô để các địa phương thống nhất triển khai công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ GS,GC tập trung trên phạm vi cả nước. Việc nâng mức lệ phí kiểm soát giết mổ cũng cần được T.Ư xem xét nhằm bảo đảm các khoản chi cho hoạt động này. Để hỗ trợ các đối tác xây dựng, quản lý cơ sở giết mổ GS,GC tập trung, Nhà nước nên tạo điều kiện để tỉnh có những chính sách về đất đai, cơ sở hạ tầng, vốn tín dụng ưu đãi, chính sách thuế… Ngành chức năng cần phải tập huấn về quy trình kỹ thuật giết mổ, các bệnh dịch nguy hiểm của GS,GC cho các đối tượng kinh doanh, mua bán giết mổ để hiểu biết và thực hiện tốt các điều kiện về VSTY theo quy định. Vấn đề cần quan tâm nữa là cán bộ làm công tác kiểm soát giết mổ phải là biên chế Nhà nước mới có tư cách pháp nhân sử dụng trang cấp, trang phục Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, cơ quan có trách nhiệm thường xuyên đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra VSTY.

 

                                                                                                                                           

Nguyễn Văn Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.392.602
Truy câp hiện tại 2.833