Có các hình thức hỗ trợ như sau:
Hỗ trợ thành lập mới, sáp nhập Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã
Các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập mới, sáp nhập được hỗ trợ để tìm hiểu thông tin, nghiên cứu Luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức Hội nghị thành lập Hợp tác xã; các mức chi hỗ trợ thực hiện theo Điều 10 Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 19/12/2016 của Bộ Tài chính. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
1. Thành lập mới
a) Đối với Hợp tác xã có số lượng thành viên từ 07 - dưới 50 thành viên được hỗ trợ với mức tối đa không quá 30 triệu đồng.
b) Đối với Hợp tác xã có số lượng thành viên từ 50 - dưới 200 thành viên được hỗ trợ với mức tối đa không quá 40 triệu đồng.
c) Đối với Hợp tác xã có số lượng thành viên từ 200 thành viên trở lên được hỗ trợ với mức tối đa không quá 50 triệu đồng.
d) Đối với việc thành lập Liên hiệp Hợp tác xã được hỗ trợ với mức tối đa không quá 30 triệu đồng.
2. Sáp nhập, hợp nhất
Các Hợp tác xã sáp nhập, hợp nhất được hỗ trợ hỗ trợ 50% kinh phí quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 4 Quy định này.
3. Điều kiện hỗ trợ
a) Giấy chứng nhận Đăng ký Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã và Sổ đăng ký thành viên, Hợp tác xã thành viên.
b) Cung cấp các chứng từ hợp lệ tương ứng các nội dung chi theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 19/12/2016 của Bộ Tài chính.
Hỗ trợ về hoạt động của Hợp tác xã
1. Hỗ trợ lãi suất
a) Hợp tác xã có dự án, phương án đầu tư khả thi được Ngân hàng, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế (Viết tắt là tổ chức tín dụng) chấp thuận cho vay thì được hỗ trợ 100% lãi suất 01 năm đầu và 50% lãi suất 02 năm tiếp theo với mức vay tối đa không quá 01 tỷ đồng/Hợp tác xã.
b) Điều kiện để được hỗ trợ:
- Hợp tác xã hoạt động thuộc địa bàn các huyện, các thị xã, thành phố;
- Hỗ trợ lãi suất chỉ được cấp cho Hợp tác xã sau khi Hợp tác xã này đã trả nợ vay đầu tư (nợ gốc theo phân kỳ trả nợ tại Hợp đồng tín dụng và lãi vay) cho tổ chức tín dụng, không hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các khoản nợ quá hạn (nợ từ nhóm 2 trở lên, nợ gia hạn và nợ đã cơ cấu lại, nợ khoanh…);
- Có chứng từ thanh toán lãi suất theo quy định vay vốn của tổ chức tín dụng, gồm:
+ Giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất tiền vay;
+ Hồ sơ pháp lý của Hợp tác xã (giấy Chứng nhận đăng ký Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; giấy Chứng minh nhân dân của người đại diện theo pháp luật của Hợp tác xã);
+ Hợp đồng tín dụng giữa Hợp tác xã và tổ chức tín dung; các chứng từ trả nợ ngân hàng hoặc các Quỹ theo hợp đồng; Bảng tính toán lãi suất tiền vay tổ chức tín dụng;
+ Bản đối chiếu công nợ hàng năm giữa Hợp tác xã với tổ chức tín dụng kể từ thời điểm bắt đầu vay đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; Bảng xác nhận của tổ chức tín dụng tình trạng khoản vay (thuộc nhóm nợ nào, đã gia hạn nợ, cơ cấu nợ);
+ Một số hồ sơ có liên quan khác.
2. Hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa và nông nghiệp
a) Hỗ trợ Hợp tác xã đầu tư cơ giới hóa vào nông nghiệp như máy làm đất, máy thu hoạch, máy gieo lúa, cấy lúa, máy làm cỏ, máy đóng gói, máy sục khí, hệ thống máy sấy, bảo quản sản phẩm và các phương tiện, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Trường hợp những Hợp tác xã mua máy đã qua sử dụng phải đáp ứng yêu cầu quy định tại Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Mức hỗ trợ tiền mua máy móc thiết bị là 25% và tổng mức hỗ trợ để đầu tư cơ giới hóa vào nông nghiệp không quá 200 triệu đồng cho 01 Hợp tác xã.
b) Điều kiện để được hỗ trợ:
- Có hợp đồng mua bán và hóa đơn chứng từ kèm theo;
- Có kế hoạch sản xuất kinh doanh và phương án sử dụng máy móc thiết bị phù hợp với nhu cầu của Hợp tác xã;
- Thủ tục mua sắm tài sản thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước;
- Các Hợp tác xã được hỗ trợ có cam kết không được bán, chuyển nhượng tài sản đã được hỗ trợ khi chưa thực hiện xong khấu hao. Trường hợp vi phạm, hoàn trả lại số tiền đã được nhận hỗ trợ.
3. Hỗ trợ trang bị phương tiện, công cụ lao động
a) Trang bị phương tiện, công cụ lao động của Hợp tác xã tiếp nhận giải quyết việc làm cho những người lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị mới do nhường đất sản xuất hoặc tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Mức hỗ trợ tối đa cho 01 dự án không quá 50% vốn đầu tư và không quá 300 triệu đồng cho 01 Hợp tác xã.
b) Điều kiện để được hỗ trợ:
- Các Hợp tác xã tiếp nhận giải quyết việc làm cho những người lao động ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị mới do nhường đất sản xuất: Tiếp nhận trên 15 người lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có hợp đồng lao động từ 06 tháng trở lên;
- Các Hợp tác xã tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người khuyết tật những Hợp tác xã tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người khuyết tật: Tiếp nhận từ 10 người khuyết tật trở lên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có hợp đồng lao động từ 06 tháng trở lên;
- Có hợp đồng mua bán và hóa đơn chứng từ kèm theo;
- Có kế hoạch sản xuất kinh doanh và phương án sử dụng máy móc thiết bị phù hợp với nhu cầu của Hợp tác xã;
- Thủ tục mua sắm tài sản thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước;
- Các Hợp tác xã được hỗ trợ có cam kết không được bán, chuyển nhượng tài sản đã được hỗ trợ khi chưa thực hiện xong khấu hao. Trường hợp vi phạm, hoàn trả lại số tiền đã được nhận hỗ trợ.
4. Hỗ trợ xúc tiến thương mại; tham gia trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý:
Các Hợp tác xã được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND ngày 09/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Ban hành “Quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020”.
5. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin
a) Hỗ trợ 100% kinh phí cho Hợp tác xã xây dựng 01 trang thông tin điện tử, mức hỗ trợ tối đa không quá 15 triệu đồng/trang.
b) Điều kiện hỗ trợ:
- Có hợp đồng, hóa đơn chứng từ kèm theo;
- Chỉ hỗ trợ đối với Hợp tác xã chưa có trang thông tin điện tử.