- Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại các công văn số: 375/TTBVTV-BVTV ngày 05/11/2020 về việc khắc phục thiệt hại đối với sản xuất trồng trọt sau mưa lụt; 400/TTBVTV-BVTV ngày 26/11/2020 về việc khắc phục tình trạng lúa bị bồi lấp và bèo xâm nhập để chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021; 401/TTBVTV-BVTV ngày 26/11/2020 về việc quản lý và sử dụng giống sắn niên vụ 2021 của Chi cục Trồng trọt và BVTV.
- Đối với cây lúa: (1) Triển khai thực hiện đúng theo Hướng dẫn Số: 2052/HD-SNNPTNT, ngày 9/10/2020 về lịch thời vụ gieo trồng vụ Đông Xuân 2020 – 2021; (2) Tổ chức kiểm tra hệ thống kênh mương để khẩn trương gia cố, tu sửa đê bao ngăn mặn, nạo vét kênh mương nội đồng và chuẩn bị các phương án tiêu úng phục vụ sản xuất kịp thời theo kế hoạch. Triển khai diệt chuột, ốc bươu vàng,... để hạn chế mật độ trước khi xuống vụ nhằm hạn chế khả năng gây hại trong vụ Đông Xuân; (3) Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo nông dân tiến hành khắc phục kịp thời diện tích ruộng lúa bị vùi lấp, cày lật đất để tiêu hủy lúa chét, cỏ dại, các mầm mống sinh vật gây hại để gieo cấy đúng lịch thời vụ. (4) Rà soát số lượng, chất lượng giống lúa đã sản xuất và hỗ trợ, cân đối để đăng ký mua thêm ở các đơn vị cung ứng giống, có phương án chuẩn bị lượng giống dự phòng hợp lý tuỳ theo điều kiện thực tế của địa phương. (5) Rà soát phương án, kế hoạch đã được xây dựng để có giải pháp cụ thể chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả, diện tích bị khô hạn thiếu nước sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. (6) Bố trí cán bộ kỹ thuật tăng cường công tác điều tra, theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại, cập nhật tiến độ sản xuất hàng tuần báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố Huế, Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Trồng trọt và BVTV) theo đúng quy định. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Đối với cây sắn, ngô, rau: (1) Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống chất lượng, năng suất, rõ nguồn gốc để gieo trồng, chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý để tăng khả năng chống lại với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sinh vật gây hại. (2) Tăng cường theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, đảm bảo an toàn thực phẩm. (3) Đối với giống sắn cần rà soát, tận thu nguồn giống không bị nhiễm bệnh khảm lá sắn tại chỗ, kết hợp với việc liên hệ các nguồn cung ứng giống sạch bệnh để đưa về địa phương để đảm bảo đủ nguồn giống để gieo trồng cho niên vụ mới.
- Đối với cây cao su và cây ăn quả: (1) Tập trung chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do mưa bão, trồng mới cây ăn quả theo lịch thời vụ, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bón phân, kết hợp làm cỏ vun gốc cho cây phục hồi, phát triển. (2) Vệ sinh vườn, khơi thông hệ thống thoát nước tránh tù đọng, thu gom cành lá, chồi non nhiễm bệnh để tiêu huỷ, hạn chế nguồn bệnh tồn tại trên vườn (3) Tăng cường theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp chỉ đạo và phòng trừ kịp thời./.