Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020
Ngày cập nhật 26/04/2021

Sáng 23/4, tại thành phố Huế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh và đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trên cả nước. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, tỉ lệ các xã đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã tăng rõ rệt so với các giai đoạn trước, đến năm 2020, tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 40%, các công tác bảo vệ môi trường đã được triển khai lồng ghép trong các hoạt động sản xuất kinh doanh trên tất các lĩnh vực nông nghiệp từ lâm nghiệp cho đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, xác định rõ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hình thành các mô hình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, các mô hình xử lý chất thải rắn quy mô liên xã; mô hình thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật; mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi và mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã ngày càng được nhân rộng và phát triển, nhờ đó việc thực hiện tiêu chí môi trường đã mang lại những kết quả thiết thực.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại Hội nghị

Một số kết quả công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020:
- Đã triển khai nhiều biện pháp để khuyến khích người sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý, tránh lạm dụng gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và sức khỏe của cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Thông qua công tác tuyên truyền, áp dụng các mô hình canh tác tiên tiến như mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 tăng 3 giảm, VietGAP, Hữu cơ... lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đã giảm dần hàng năm; hiện nay chỉ sử dụng khoảng 175-200 tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm, giảm 42,8% so với năm 2007. Người dân đã ý thức hơn trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng, tỷ lệ phân bón thuộc nhóm hữu cơ ngày càng được sử dụng nhiều hơn (khoảng 20-40% tổng lượng phân bón được sử dụng). Đã triển khai mô hình xây dựng một số bể chứa thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực; hiện có 2.082 bể chứa, thu gom đã được đầu tư; kết quả bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân và của cộng đồng.
- Ước tính lượng chất thải do hoạt động chăn nuôi thải ra hàng năm khoảng 836 nghìn tấn chất thải rắn và 1.055 triệu lít nước thải; trong đó, đối với chất thải rắn có 61,7 % được thải trực tiếp hoặc thu gom để bán, 22,5% được ủ làm phân hữu cơ, 6,8% được xử lý bằng công trình khí sinh học và 8,9% xử lý bằng các hình thức khác; đối với chất thải lỏng có khoảng 35% được thu gom, xử lý (chủ yếu ở chăn nuôi lợn). Toàn tỉnh có 28 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; ước tính chất thải hàng năm trong quá trình giết mổ khoảng 4.910 tấn chất thải rắn và khoảng 30 ngàn m3 nước thải; 100% các cơ sở giết mổ tập trung đều có hệ thống thu gom chất thải trong khu vực giết mổ, hố gas, lưới chắn rác, hầm xử lý từ 2 ngăn trở lên, 50% các cơ sở giết mổ có hồ sinh học. Các chất thải rắn đều được thu gom xử lý hàng ngày hoặc được thu gom ủ phân hữu cơ làm phân bón trong nông nghiệp.
- Độ che phủ rừng năm 2020 đạt 57,38%, tăng 1,08% so với năm 2016. Đã thực hiên tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, chống buôn bán động vật hoang dã đã được tổ chức đồng bộ và có hiệu quả; đặc biệt là các khu vực rừng đặc dụng của các Khu Bảo tồn và Vườn Quốc gia Bạch Mã. Đã trồng được 453,5 ha rừng (trong đó: 141,0 ha rừng ngập mặn, 255,0 ha rừng trên cát ven biển, 57,5 ha rừng ngập ngọt) và quản lý bảo vệ 4.599,7 ha rừng là rú cát tự nhiên và rừng trồng ven biển, đầm phá; đã cấp hơn 50 vạn cây phân tán ngập mặn cho người dân ở các xã vùng ven biển. Việc trồng rừng ngập mặn phát triển tốt trên điều kiện lập địa, khí hậu khác biệt như ở tỉnh Thừa Thiên Huế là một thành công lớn, góp phần quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu ở những vùng cửa sông, ven biển và đầm phá.
- Duy trì chương trình quan trắc môi trường thủy sản hàng năm tại 15 điểm và phát hành 34 bản tin; qua đó đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng thủy sản được nâng cao, bản tin cũng đã giúp chuyển tải đến người nuôi trồng thủy sản nắm bắt được các quy định về nuôi trồng thủy sản, nâng cao trách nhiệm cộng đồng và phản hồi các bất thường, sự cố đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Giai đoạn 2016-2020, đã thực hiện 16 đợt thả tái tạo nguồn lợi thủy sản với gần 1,6 triệu con giống, trong đó có một phần nguồn giống nhận được từ xã hội hóa do các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp tài trợ. Tổ chức thực hiện và thả 610 chà rạo vào các Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 
- Thông qua thực hiện Chương trình nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (cả nước khoảng 88,5%); tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia - QCVN 02:2009/BYT đạt 88% (cả nước 51%). Công tác quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn các xã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tốt. Hoạt động thu gom rác thải và vệ sinh môi trường nông thôn được nhiều địa phương tích cực triển khai. Phát triển nhiều dạng mô hình thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến các địa điểm trung chuyển như: các doanh nghiệp, các tổ (đội), hợp tác xã,… góp phần từng bước xã hội hóa hoạt động quản lý chất thải rắn, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt 65%. Đặc biệt phong trào Ngày Chủ nhật xanh do tỉnh phát động đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần bảo vệ, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp,... Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật, vận hành hệ thống xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp tục được chú trọng. Các địa phương đã tổ chức cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề ký cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường theo quy định thông qua các buổi tập huấn về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay đã có 77/97 xã đạt tiêu chí đạt tỷ lệ 79%...
 
Các đại biểu tham dự Hội nghị tham quan công trình Đập ngằn mặn Thảo Long 
 
Tại Hội nghị, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được về công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2016-2020, đồng thời cùng trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm để tham gia thảo luận, đề xuất kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan về những giải pháp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2025 đảm bảo phù hợp và hiệu quả hơn.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 14.889