Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hội nghị trực tuyến triển khai Đợt cao điểm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực Nông nghiệp từ nay đến Tết nguyên đán 2016
Ngày cập nhật 23/10/2015

Ngày 19 tháng 10 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Đợt cao điểm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết nguyên đán 2016.  

Hội nghị có 63 điểm cầu ở 63 tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung Ương với sự tham dự của các Bộ, Ngành Trung Ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Tỉnh – Ông Đinh Khắc Đính (Phó chủ tịch UBND tỉnh) và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng đại diện lãnh đạo các Ban, Ngành liên quan (Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Tài Chính, Công An...).
Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã:
1. Báo cáo kết quả công tác quản lý chất lượng Vật tư nông nghiệp, An toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2015. Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trên địa bàn cả nước có nhiều chuyển biến tích cực. Đã ghi nhận một số hoạt động thông qua công tác phổ biến tuyên truyền quy định, chính sách pháp luật cho 2100 lượt cán bộ trong cả nước; nhiều địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền về cách thức bảo đảm ATTP cho người dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều hình thức cụ thể, thiết thực và hiệu quả cao. Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP đã thực hiện theo Thông tư số 45/TT-BNNPTNT ngày 09/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT như sau:
- Số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm Nông lâm thủy sản được kiểm tra, phân loại và kiểm tra định kỳ là 7334 cơ sở (1504/7334 cơ sở xếp loại C, các cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra đạt tỷ lệ 45%, cao hơn năm 2014 là 28%, sau tái kiểm tra có 536 cơ sở vẫn xếp loại C). Các cơ sở loại C chủ yếu là cơ sở giết mổ; cơ sở sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm.
- Số cơ sở sản xuất, kinh doanh Vật tư nông nghiệp được kiểm tra, phân loại và kiểm tra định kỳ là 10871 cơ sở (1745/10871 cơ sở xếp loại C, các cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra đạt tỷ lệ 92%, cao hơn năm 2014 là 38%, sau tái kiểm tra có 1418 cơ sở vẫn xếp loại C). Các cơ sở loại C chủ yếu là cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc BVTV.
Như vậy trong 09 tháng đầu năm trung bình khoảng 68% các cơ sở xếp loại đã được tái kiểm tra và đã có 21% cơ sở nông thủy sản và 12% cơ sở vật tư nông nghiệp được nâng hạng. Một số tỉnh, thành phố đã công khai các cơ sở xếp loại A, B, C trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế.
Số  đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất đã được tăng cường tổ chức từ Trung Ương đến địa phương, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 22 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: sản xuất vật tư nông nghiệp ngoài danh mục, không đảm bảo chất lượng; sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa; vệ sinh nhà xưởng không đảm bảo ATTP...
Việc tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về chất lượng VTNN, đảm bảo ATTP song song với hướng dẫn, hỗ trợ, xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn đã góp phần cải thiện chất lượng các sản phẩm VTNN và nông lâm thủy sản, tuy nhiên sự chuyển biến còn rất chậm. Tỷ lệ mẫu giám sát trên diện rộng trong 9 tháng đầu năm cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm ATTP còn ở mức cao, chưa cải thiện so với năm 2014 (1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella; 7,6% mẫu thit có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng).
Việc tiếp cận, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản và thủy sản được quan tâm. Đối với công tác kiểm soát sản phẩm nông thủy sản nhập khẩu được tăng cường chặt chẽ. Nhanh chóng xử lý kịp thời các sự cố mất ATTP, xác minh các thông tin về các vấn đề mất ATTP để cung cấp thông tin chính xác cho cơ quan báo chí và người tiêu dùng (gạo giả, hóa chất làm chín sầu riêng, chất bảo quản hành tím...)
2. Phát động Đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết nguyên đán 2016.
Tại Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động Đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, đợt cao điểm được triển khai trên phạm vi toàn quốc, thời gian từ nay cho đến hết tháng 2/2016 (sau Tết âm lịch Bính Thân) với mục tiêu giải quyết căn bản những bức xúc nổi cộm hiện nay là ngăn chặn hiệu quả, tiến tới giải quyết dứt điểm việc lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm phẩm thịt gia súc, gia cầm và thủy sản; tốn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong rau quả…
Trọng tâm kết quả cần đạt được là: Tỷ lệ mẫu giám sát tồn dư hóa chất trong rau quả, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và ô nhiễm kháng sinh, vi sinh vật trong thịt đang vượt ngưỡng phải giảm trên 30% so với 9 tháng đầu năm 2015; hình thành được một số điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm, niềm tin của người tiêu dùng được nâng cao.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - Vũ Đức Đam đã kết luận: Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp, là một lĩnh vực quan trọng của chương trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2015, yêu cầu các cấp từ Trung ương đến địa phương cần phát động Đợt cao điểm về Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán 2016. Trọng tâm là đối tượng: thịt lợn, thịt gà (Sabultamol, VAT Yellow, Salmonella); rau, quả (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật); tôm, cá nuôi (hóa chất, kháng sinh)... Cần phối hợp với các ngành chức năng tăng cường cảnh báo đến người tiêu dùng về lựa chọn sản phẩm trong nông nghiệp; chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện, xử lý những vi phạm trong vấn đề ATTP; tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ quy định về đảm bảo ATVSTP; hình thành ngày càng nhiều các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ và quảng bá sản phẩm an toàn có xác nhận./.

Nội dung Báo cáo kết quả công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP 9 tháng đầu năm, kế hoạch Đợt cao điểm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán 2016 (tải file bên dưới).

 

Tập tin đính kèm:
CHI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.313.543
Truy câp hiện tại 10.862