Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
LIÊN KẾT GIỮA HỘ NÔNG DÂN VỚI HTX NÔNG NGHIỆP TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁNH ĐỒNG MẪU THUỘC CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2013
Ngày cập nhật 05/01/2013

Thực hiện Quyết định số 2330/QĐ-UBND  ngày 10 tháng 12 năm 2012 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế V/v phê duyệt kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu cây lúa thực hiện trong vụ Đông Xuân 2012-2013, với 2 mô hình thí điểm “cánh đồng mẫu lúa chất lượng” và “cánh đồng mẫu sản xuất lúa giống”. Tổng diện tích của 2 mô hình thí điểm này là 100 ha

Địa điểm tại huyện Quảng Điền bố trí  HTX.NN Đông Vinh sản xuất 25 ha lúa chất lượng cao, HTX.NN Quảng Thọ 2 sản xuất lúa giống 25 ha. Tại Thị xã Hương Thủy bố trí  HTX.NN Thủy Thanh2 sản xuất 25 ha lúa chất lượng cao, HTX.NN Thủy Tân sản xuất lúa giống 25 ha. Tổng kinh phí thực hiện 2 mô hình thí điểm trên là 466.320.000 đồng, kinh phí thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đây là mô hình thí điểm nên có cơ chế hỗ trợ. Về giống lúa: Ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch giữa giá giống lúa xác nhận nhóm chất lượng cao so với giá giống lúa xác nhận bình thường (đối với mô hình lúa chất lượng cao) và giữa giá giống lúa siêu nguyên chủng so với giống lúa xác nhận (đối với mô hình sản xuất giống lúa). Về phân bón: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vật tư, phân bón. Về cán bộ kỹ thuật: Hỗ trợ thuê cán bộ kỹ thuật trực tiếp chỉ đạo, hệ số 0,1 theo mức lương tối thiểu chung hiện hành; mổi điểm 1 cán bộ kỹ thuật và trong thời gian 5 tháng. Kinh phí đào tạo:  Hỗ trợ 100% , tập huấn kỹ thuật và thông tin, tuyên truyền quảng bá mô hình. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, ngân sách tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ cho các địa phương thực hiện mô hình về kinh phí hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng “cánh đồng mẫu cây lúa” là hướng đi tất yếu, lâu dài để chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao, là tiền đề mở rộng phương thức sản xuất mới và đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến từ khâu sản xuất giống lúa, lúa thương phẩm; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để có sự chuyển biến về chất lượng dịch vụ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người sản xuất, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tổ chức sản xuất nông nghiệp, nông thôn phổ biến hiện nay ở Thừa Thiên Huế là kinh tế Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh dịch vụ cho hộ xã viên, hộ cá thể. Về chủ trương, chúng ta hướng đến phát triển HTX.NN, ưu thế của HTX đã được khẳng định trong Luật HTX năm 2003. Chính các HTX là nơi gặp gỡ và tổ chức ký kết hợp đồng giữa nông dân và các thành phần kinh tế kinh doanh dịch vụ ở nông thôn, đồng thời cũng là nơi thực hiện hợp đồng; HTX có thể được xem là tổ chức sản xuất đạt đến một quy mô sản phẩm nhất định để thực hiện nhiều tác động, hỗ trợ về KHKT, chuyển giao công nghệ, vốn và nhất là dể dàng trong việc đàm phán, xử lý hợp đồng theo các quy định hiện nay. Điều quan trọng là cần gắn HTX với hộ nông dân trong việc thực hiện mô hình điểm cánh đồng mẫu cây lúa đạt kết quản tốt, trước lúc đưa ra diện rộng.

Thông qua thực hiện cánh đồng mẫu lớn góp phần liên kết giữa HTX.NN với hộ nông dân,  người trực tiếp sản xuất ra nông sản, bản thân nhà doanh nghiệp không thể ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân mà qua một khâu trung gian. Trong tình hình hiện nay, đơn vị có thể làm tốt nhất vai trò trung gian chính là HTX. Tổ chức này có thể đại diện cho các xã viên nông dân thương lượng về giá cả và phương thức mua bán với doanh nghiệp.

Điều kiện cần để HTX hoạt động là tính tự chủ thật sự, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo pháp luật. Điều kiện đủ là HTX đủ khả năng quản lý có hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết sản xuất có thành công hay không đòi hỏi nông dân phải là người sản xuất ra nhiều hàng hóa nông sản đạt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngwoif tiêu thụ.

Các mô hình liên kết cụ thể hiện nay như sau:

*Mô hình liên kết HTX.NN là trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp: Trong mô hình này HTX.NN ký hợp đồng với doanh nghiệp. Sau đó HTX.NN ký hợp đồng lại với từng hộ xã viên. Hợp đồng theo phương thức giá sàn, nếu giá cao hơn giá sàn thì hai bên sẽ thương lượng, nếu thương lượng không thành thì hợp đồng đem ra thanh lý.

*HTX.NN tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ, sau đó giao cho xã viên sản xuất: Ban quản lý sẽ tiến hành liên hệ, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với hộ xã viên, căn cứ vào số lượng ký hợp đồng, HTX sẽ lên kế hoạch gieo trồng cho từng hộ xã viên, xã viên thu hoạch cung cấp đủ số lượng và chuẩn loại cho HTX, HTX sẽ phân phối đến các kênh tiêu thụ đã ký hợp đồng.

*HTX tiến hành ký hợp đồng tiêu thụ, sau đó giao cho xã viên sản xuất, HTX cung cấp vật tư đầu vào cho xã viên có nhu cầu: HTX sẽ cung cấp vật tư nông nghiệp cho các hộ xã viên căn cứ trên nhu cầu về giống, phân bón, thuốc trừ sâu... từ đó ký kết hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp, sau đó cung cấp lại cho hộ xã viên.

Theo các mô hình trên thì trong thực tiển có 2 loại hình hợp đồng: Hợp đồng có đầu tư và hợp đồng chỉ mua sản phẩm, không đầu tư.

*Loại hợp đồng người mua không đầu tư, ứng trước: Là loại hợp đồng đơn giản hơn, người mua chỉ cần mua sản phẩm của HTX, chưa quan tâm và có trách nhiệm với quá trình sản xuất, HTX cũng chỉ mua sản phẩm của xã viên rồi bán lại cho khách hàng, không có đầu tư ứng trước. Loại hợp đồng không chặt chẽ này thường hay xẩy ra trình trạng bỏ dở hợp đồng.

*Loại hợp đồng khách hàng có đầu tư, ứng trước vật tư: Doanh nghiệp mua sản phẩm ký hợp đồng có đầu tư qua HTX rồi HTX đầu tư cho xã viên những vật tư cần thiết để sản xuất. Khi thu hoạch sản phẩm, xã viên bán cho HTX hoặc giao cho HTX bán cho khách hàng. Đây là loại hợp đồng chặt chẽ hơn, thể hiện sự quan tâm của người mua, gắn được trách nhiệm của khách hàng với quá trình sản xuất của nông dân, bảo đảm hợp đồng có điều kiện hoàn thành tốt hơn.

Việc liên kết của hộ nông dân với HTX thông qua cánh đồng mẫu cây lúa có tác động nhiều phía tùy theo sự chỉ đạo của các cấp các ngành, nhưng liên kết này trước hết là hỗ trợ, làm lợi cho nông dân và HTX nên điều quan trọng là HTX phải thay mặt nông dân chủ động tìm thời cơ, đầu mối liên kết; tạo động lực thúc đẩy chính là vấn đề lợi ích của các bên tham gia.

Một nền kinh tế nông nghiệp muốn phát triển bền vững trong kinh tế thị trường, tất yếu phải phát triển, cũng cố và đổi mới kinh tế tập thể bằng cách liên kết các hộ sản xuất nhỏ, các chủ trang trại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là cơ sở để cho các mô hình liên kết khác sẽ phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy   thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thừa Thiên Huế./.

 

VP NTM
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.356.929
Truy câp hiện tại 16.759