Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Kết quả thực hiện Bộ chỉ số Theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2012, phương hướng nhiệm vụ từ năm 2013 trở về sau
Ngày cập nhật 28/01/2013


Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐẾN THÁNG 9 NĂM 2012

I. Đặc điểm tình hình thực hiện Chương trình.

Thực hiện Quyết định số: 104/2000/QĐ-TTg, ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) đến năm 2020 và Quyết định số: 366/QĐ-TTg, ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMTNT giai đoạn 2012-2015; Trong những năm qua Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện được nhiều dự án cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn (CN&VSMTNT), đa dạng về loại hình, quy mô, công nghệ. Triển khai thực hiện Chương trình đến nay đã đạt được những kết quả rất khả quan, cơ bản đã giải quyết đủ nước cho những vùng bức xúc về nguồn nước sinh hoạt, nhất là vùng ven biển mật độ dân cư đông và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn và hàm lượng vi sinh cao.

Việc triển khai thực hiện Chương trình CN&VSMTNT đã được nhiều Sở, Ban, ngành, địa phương và các hội, đoàn thể tham gia thực hiện, từ nhiều nguồn vốn khác nhau; về tiến độ thực hiện có nhanh nhưng việc quản lý, theo dõi, báo cáo còn gặp nhiều khó khăn; các đơn vị chỉ thực hiện báo cáo theo ngành dọc, ít quan tâm chia sẻ thông tin. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình đã có những đề xuất về cơ chế quản lý, phối hợp, báo cáo nhưng đến nay kết quả thu thập các số liệu để tổng hợp báo cáo còn hạn chế và chậm.

Về công tác quản lý, vận hành công trình sau đầu tư: Khi thực hiện đầu tư xây dựng các dự án được nhiều Sở, Ban, Ngành, hội đoàn thể, địa phương thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư, khi hoàn thành đa số các công trình được giao về xã, thôn chịu trách nhiệm quản lý vận hành; hàng năm đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; nhưng một số công trình không phát huy được công suất thiết kế, nhanh hư hỏng, xuống cấp. Do chính quyền địa phương chưa xây dựng nội quy, quy chế hoạt động và hay thay đổi cán bộ quản lý vận hành, bên cạnh đó việc đóng góp kinh phí sử dụng nước của các hộ gia đình không thực hiện đều đặng, nên không có kinh phí để trả công và sửa chữa công trình, vì vậy quá trình vận hành, quy trình xử lý chất lượng nước cấp chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định; công tác quản lý phục vụ thiếu chuyên nghiệp, gây lãng phí và phiền hà đến người dân, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án tiếp theo.

Để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2010-2015, phản ánh đúng hiện trạng CN&VSMTNT, nhằm xây dựng định hướng Chương trình giai đoạn tiếp theo bền vững, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số: 51/2008/QĐ-BNN, ngày 14/4/2008 về việc “Ban hành Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá NS&VSMTNT” và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để các địa phương tổ chức thực hiện. Đây là Bộ chỉ số quan trọng để đánh giá bằng định lượng kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2011-2015.

II. Tình hình triển khai thực hiện Bộ chỉ số tại Thừa Thiên Huế.

1. Các văn bản pháp lý:

- Quyết định số: 51/2008/QĐ-BNN, ngày 14/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc “ Ban hành Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn”;

- Công văn số 3856/BNN-TL, ngày 25/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc “ Hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn”.

2. Kết quả thực hiện:

a) Công tác tập huấn kỹ năng điều tra, cập nhật lưu trữ thông tin và tổng hợp báo cáo:

Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Tài nguyên-Môi trường, phòng y tế, phòng Kinh tế các huyện, thị xã tổ chức các lớp tập huấn, tại các cụm xã; nội dung: Giới thiệu các loại hình cấp nước sinh hoạt, loại hình công trình vệ sinh; các yếu tố để xem xét đánh giá xếp loại công trình có hợp vệ sinh hay không; hướng dẫn kỹ năng điều tra, cập nhật số liệu và tổng hợp báo cáo; Sau khi được tập huấn các học viên trở thành các điều tra viên cơ sở.

- Đối tượng tham dự tập huấn:

+ Cấp Huyện, Thị xã: Mỗi phòng có l lãnh đạo và  01 cán bộ chuyên trách (phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Tài nguyên - Môi trường,  phòng Y tế, phòng Kinh tế);

+ Cấp xã: 01 lãnh đạo UBND xã, 01 cán bộ phụ trách nước sạch và VSMT.

- Nội dung:

+ Phổ biến quyết định số 51/2008/QĐ-BNN, ngày 14/4/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc “ Ban hành Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn”;

+ Phổ biến Công văn số 3856/BNN-TL, ngày 25/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc “ Hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn”.

+ Các phương pháp điều tra, đánh giá nước sinh hoạt và VSMT nông thôn theo bộ chỉ số theo dõi và đánh giá.

+ Phương pháp nhập số liệu thu thập vào các biểu mẫu.

+ Hướng dẫn, thực hành phương pháp điều tra, đánh giá nước sinh hoạt, vệ sinh hộ gia đình và cách nhập số liệu vào biểu mẫu;

+ Hướng dẫn, thực hành phương pháp điều tra, đánh giá cấp nước và VSMT các công trình công cộng và cách nhập số liệu vào biểu mẫu;

+ Hướng dẫn, thực hành phương pháp điều tra, đánh giá các công trình cấp nước tập trung; kinh phí thực hiện của các chương trình, dự án cho lĩnh vực nước sạch và VSMT nông thôn và cách nhập số liệu vào biểu mẫu

b) Công tác điều tra, cập nhật số liệu:

Sau khi hoàn thành công tác tập huấn Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên-Môi trường, phòng Kinh tế tham mưu cho UBND huyện, Thị xã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các xã triển khai điều tra, cập nhật số liệu về NS&VSMTNT năm 2012 theo quy định; trưởng thôn, các bộ y tế thôn là người chịu trách nhiệm về công tác điều tra, cập nhật và tổng hợp ở địa  phương và báo cáo số liệu lên cấp xã; UBND xã tiếp nhận số liệu từ các thôn, cập nhật số liệu các cơ sở công cộng, trường học, chợ… tổng hợp báo cáo lên cấp huyện; Phòng Nông nghiệp và PTNT, phòng Tài nguyên - Môi trường, phòng Kinh tế tiếp nhận số liệu từ cấp xã; tổng hợp kinh phí thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện, tổng hợp báo cáo về Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn.

Thời gian: Cấp xã tổng hợp báo cáo kết quả lên cấp huyện huyện trong tháng 9 năm 2012; các huyện, thị xã tổng hợp báo cáo kết quả điều tra về tỉnh qua Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn trong tháng  9 năm 2012.

Địa bàn điều tra, cập nhận số liệu: Tất cả các thôn bản thuộc khu vực nông thôn trong tỉnh. Đối tượng điều tra, cập nhật số liệu là công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình, cơ sở công cộng; công trình cấp nước tập trung.

c) Công tác kiểm tra, giám sát đánh giá chất lượng nước:

Để đánh giá đúng chất lượng nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh một cách khoa học Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn Tỉnh đã  xét nghiệm về hóa lý và vi sinh có trong nước theo QCVN 02: 2009/BYT.

Kết quả xét nghiệm như sau:

- Công trình cấp nước tập trung:

Kết quả xét nghiệm hoá lý và vi sinh 70 mẫu nước của 101 công trình cấp nước tập trung có 42 mẫu của 70 công trình có kết quả đạt QCVN 02: 2009/BYT, chiếm 69% số công trình được kiểm tra; phần lớn các mẫu nước cho kết quả xét nghiệm đạt yêu cầu thường.

- Công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình:

Kết quả xét nghiệm hoá lý và vi sinh (giới hạn cấp độ II) 50 mẫu nước của 50 công trình cấp nước hộ gia đình có 35 mẫu cho kết quả đạt QCVN 02: 2009/BYT, chiếm 70% mẫu kiểm tra. Các thông số có tỉ lệ mẫu vượt giới hạn cao là màu sắc, sắt tổng số, độ đục, coliform tổng số và coliform chịu nhiệt.

d) Kết quả điều tra, cập nhật Bộ chỉ số:

- Các số liệu chung của 6 huyện và 2 thị xã ( không kể phường, thị trấn):

+ Toàn tỉnh hiện nay có 788  thôn, bản của 105 xã thuộc vùng nông thôn; địa bàn tiến hành điều tra, cập nhật số liệu Bộ chỉ số năm 2012 là 788 thôn, bản của 105 xã. Tổng dân số nông thôn thuộc 6 huyện và 2 Thị xã  là 613.833 người; với 140.502 hộ gia đình.

+ Số trường học(trường chính): 419 trường; trạm y tế xã: 105 trạm; trụ sở UBND cấp xã: 105 trụ sở.

3. Sản phẩm (số liệu điều tra tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2012 )

3.1.Chỉ số cấp ngành:

- Chỉ số 1: Tỷ lệ % số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh: 90%;

- Chỉ số 2: Tỷ lệ % số dân sử dụng nước sạch đáp ứng theo Quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT: 54,8%;

- Chỉ số 3:

+ Chỉ số 3A: Tỷ lệ % trường học nông thôn ( trường chính ) có nước và nhà tiêu HVS : 97,9%;

+ Chỉ số 3B: Tỷ lệ % trường học nông thôn ( trường chính) có nước sạch theo QCVN02: 2009/BYT : 69,9%;

- Chỉ số 4:

+ Chỉ số 4A: Tỷ lệ % trạm y tế xã có nước và nhà tiêu HVS: 97,1%;

+ Chỉ số 4B: Tỷ lệ % trạm y tế xã có nước sạch theo QCVN02 :2009/BYT : 69,5%;

- Chỉ số 5:

+ Chỉ số 5 A:

Tỷ lệ % công trình công công (Trụ sở UBND xã) có nước và nhà tiêu HVS: 97,1%;

Tỷ lệ % công trình công công (Chợ nông thôn) có nước và nhà tiêu HVS : 55,9%;

+ Chỉ số 5B: Tỷ lệ % công trình công công (Trụ sở UBND xã) có nước sạch theo QCVN02: 2009/BYT : 69,5%;

- Chỉ số 6: Tỷ lệ % hộ gia đình sử dụng nhà tiêu HVS theo QCVN 01: 2011/BYT : 77,1%;

- Chỉ số 7: Tỷ lệ % hộ gia đình nông thôn có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh: 38,6%;

- Chỉ số 8: Tỷ lệ %  làng nghề nông thôn có hệ thống xữ lý nước thải, rác thải: 20,0 %;

3.2.Chỉ số cấp chương trình:

- Chỉ số 9:

+ Chỉ số 9A: Tổng kinh phí thực hiện của các Chương trình, dự án cho nước sạch và VSMT nông thôn năm 2012: 130.680.000.000 đồng;

+ Chỉ số 9B: Kinh phí thực hiện so với kế hoạch năm của CTMT Quốc gia II (năm 2012) đạt : 94,1% ;

- Chỉ số 10: Số người được sử dụng nước thực tế từ công trình cấp nước xây mới, cải tạo trong năm: 11.569 người.

- Chỉ số 11: Số nhà tiêu HVS xây dựng mới mỗi năm: 3.372 cái;

- Chỉ số 12: Suất đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung/ người tính từ năm 1996 đến năm 2012 : 1.126.648 đồng/người.

- Chỉ số 13: Tỷ lệ công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững: 39,6%;

- Chỉ số 14: Tỷ lệ các loại mô hình quản lý công trình cấp nước tập trung:

Cộng đồng quản lý:                    73,3%;

Trung tâm nước quản lý:            0%;

Tư nhân quản lý:                        0%;

Doanh nghiệp quản lý:    15,8%;

Hợp tác xã quản lý:                   10,9%.

3.3. Đánh giá kết quả điều tra Bộ chỉ số:

a) Những mặt đã làm được:

- Thực hiện công tác điều tra, cập nhật số liệu hiện trạng CN&VSMTNT trên địa bàn nông thôn tỉnh, theo Bộ chỉ số (gồm 14 chỉ tiêu) do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành và hướng dẫn thực hiện; cập nhật lại các số liệu tăng giảm, xác định các biến số đo đếm, cách tính giá trị từng chỉ tiêu đồng bộ và được thống nhất chung. Đối tượng điều tra, cập nhật là tất cả các loại hình công trình cấp nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; từ quy mô hộ gia đình đến các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, làng nghề. Đây là dịp để các địa phương khẳng định lại thực trạng cấp nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn mình quản lý; xây dựng được bộ số liệu có độ tin cậy cao. Bộ số liệu về NS&VSMTNT là cơ sở để các ngành, các địa phương làm căn cứ xây dựng các mục tiêu nhiệm vụ Chương trình trong những năm tiếp theo, xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Qua tập huấn và điều tra, cập nhật số liệu Bộ chỉ số đã góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và giải quyết vệ sinh môi trường trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ các xã, các thôn, bản;

            - Củng cố được nguồn lực về hệ thống theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến các thôn/làng. Tạo được sự phối hợp, gắn kết để thực hiện nhiệm vụ Chương trình giữa các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Ngân hàng CSXH ở các cấp;

            - Hoàn thiện được bộ cơ sở dữ liệu về CN&VSMTNT từ cấp thôn, bản đến cấp tỉnh và được tiếp tục cập nhật hàng năm. Đây là các số liệu quan trọng giúp các cấp chính quyền, chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình có hiệu quả và làm cơ sở để lập kế hoạch mục tiêu Chương trình giai đoạn 2013-2015;

- Phản ảnh kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2006-2010 và 2011 -2012 trên địa bàn tỉnh; thu thập được các thông tin phản hồi từ cơ sở và người dân;

- Nhiều địa phương đã có nhận thức tốt về công tác điều tra, cập nhật hiện trạng CN&VSMTNT, có sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của cấp chính quyền sau khi được tập huấn.

b) Những mặt chưa làm được:

- Trách nhiệm chính trong điều tra, cập nhật số liệu hiện trạng công trình cấp nước và vệ sinh quy mô hộ gia đình tập trung vào cán bộ cơ sở thôn, bản. Điều tra, cập nhật các công trình cấp nước tập trung, cấp nước và vệ sinh các trường học, trạm y tế và cơ sở công cộng khác tập trung vào cán bộ cấp xã; mức độ am hiểu về chuyên môn và kỹ năng điều tra có phần còn hạn chế, nên việc xử lý các số liệu vẫn còn những thiếu sót. Một số bảng biểu có những cột, mục còn thiếu thông tin, địa phương thiếu kiểm tra, chỉnh lý trước khi tổng hợp báo cáo;

- Chế độ giám sát, hỗ trợ kỹ thuật từ cấp huyện đối với cấp xã trong quá trình thực hiện điều tra, đánh giá chưa rõ ràng. Địa bàn rộng, đối tượng điều tra lớn và thực hiện trong cùng một thời gian; cán bộ cấp huyện kiêm nhiệm không chuyên trách, phải đảm nhiệm nhiều công việc nên công tác giám sát, hỗ trợ các địa phương không được thường xuyên;

- Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm để chỉ đạo thực hiện, giao hẳn cho cán bộ chuyên môn, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện công việc điều tra, cập nhật số liệu mang tính nghĩa vụ, xem như việc phụ, ít đầu tư thời gian và công sức đến nội dung công việc nên hiệu quả thực hiện chưa cao;

- Số liệu cập nhật được tổng hợp, lưu trữ tương đối đầy đủ, tuy nhiên tại một số địa phương chỉ ở mức độ cán bộ tổng hợp, lưu trữ biết về số liệu mà chưa có sự chia sẻ thông tin đến các bộ phận, đơn vị khác để tham khảo, sử dụng;

- Về tiến độ thực hiện: Nhiều địa phương tổng hợp báo cáo chậm, có những huyện đến cuối tháng 9 mới có kết quả báo cáo, làm chậm tiến độ chung và khó khăn trong việc thanh quyết toán cuối năm;

- Công tác điều tra, cập nhật, thu thập xử lý các số liệu còn nhiều hạn chế, nguyên nhân cơ bản là nhận thức và tính chủ quan của người thực hiện, nhiều người tham gia chưa thật sự quan tâm đến nội dung công việc; bên cạnh đó là nhân lực có hạn nên quá trình điều tra, cập nhật thường bị những sai sót như sau:

+ Những hộ gia đình cùng lúc sử dụng hai công trình cấp nước (vòi nước máy riêng và giếng đào hoặc giếng khoan) thì các điều tra viên thống kê cả hai công trình dẫn đến tổng số công trình cấp nước lớn hơn tổng số hộ dân;

+ Về loại hình nhà tiêu: Phần lớn các điều tra viên quá trình điều tra, cập nhận số liệu tại các hộ gia đình ít trao đổi với chủ hộ nên việc xác định nhà tiêu tự hoại và nhà tiêu thấm dội nước chưa đúng với thực tế;

+ Chỉ số hộ có chuồng trại chăn nuôi, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh chưa được các điều tra viên quan tâm đánh giá thường bỏ sót, số liệu chênh lệch cao không phản ảnh được thực tế;

c) Biện pháp khắc phục:

- Từ những sai sót trong quá trình điều tra, cập nhật số liệu và kết quả kiểm tra tình trạng vệ sinh công trình, kết quả đánh giá chất lượng nước sinh hoạt bằng phương pháp xét nghiệm. Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Trung tâm Nước tiếp nhận kết quả điều tra cập nhật từ các địa phương, chỉnh lý các số liệu, hoàn chỉnh báo cáo để Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt để công bố kết quả;

- Tăng cường cán bộ có chuyên môn để hỗ trợ các địa phương thực hiện, nhất là các huyện miền núi, vùng đồng bào các dân tộc; tăng số lượng điều tra viên được tập huấn đối với các thôn bản có số hộ lớn;

- Quan tâm đến việc xem xét, đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước tập trung; cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế, môi trường làng nghề và các công trình công cộng vùng nông thôn.

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.392.602
Truy câp hiện tại 3.408