Nghiên cứu nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá và đề xuất giải pháp phòng ngừa Ngày cập nhật 18/07/2013
Đặt vấn đề
Năm 2010, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thả nuôi 3.800ha/4.086ha tổng diện tích ao hồ trên toàn tỉnh, trong đó diện tích nuôi chuyên tôm sú là 1.440ha. Tính đến ngày 14/6/2010, diện tích nuôi chuyên tôm sú trong đầm phá bị chết là 940ha/1.440ha ao nuôi. Có nhiều xã diện tích nuôi chuyên tôm chết 100%, tôm chết có tốc độ lây lan nhanh và không giống như hiện tượng tôm chết của những năm trước. Hầu hết diện tích nuôi tôm bị chết là chưa xác định được nguyên nhân chính xác.
Trước tình hình tôm sú chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân như trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu nguyên nhân gây dịch bệnh trên tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá, đề xuất giải pháp phòng ngừa và triển khai thí điểm một số giải pháp làm giảm hậu quả dịch bệnh” do KS Võ Thị Tuyết Hồng làm chủ nhiệm được thực hiện từ tháng 5/2011 đến tháng 4/2013.
Nội dung
Đề tài được thực hiện tại các ao hồ nuôi tôm sú bán thâm canh trong đầm phá thuộc 4 huyện nuôi trồng thủy sản trọng điểm của tỉnh là Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà và Quảng Điền. Theo kết quả nghiên cứu, tình hình dịch bệnh trên tôm sú nuôi bán thâm canh vùng đầm phá năm 2010 bị bệnh chết nhanh và thiệt hại nghiêm trọng, chiếm 58,37% cao hơn năm 2007 là 16,1%. Đây là năm bệnh tôm xảy ra nghiêm trọng đối với nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dấu hiệu bệnh lý tôm Sú chết hàng loạt năm 2010, 2011
Qua các lần thu mẫu tại hiện trường và theo mô tả của người nuôi thì phần lớn các ao tôm bị bệnh đều thể hiện một số dấu hiệu bệnh lý chung như tôm chết nhanh, chết hàng loạt ở đáy ao. Sau đó ngưoời nuôi chỉ được phát hiện muộn khi thấy hiện tượng tôm không ăn, tỷ lệ chết ước tính 90-100% trong 2-5 ngày; bệnh xuất hiện khi tôm nuôi được 20-100 ngày tuổi; tôm bị bệnh có hiện tượng đỏ thân.
Hầu hết các con tôm bị bệnh đều thể hiện dấu hiệu đặc thù như gan tụy teo nhỏ và bị melanin hóa với nhiều sọc màu nâu đen, một số tôm gan tụy còn có hiện tượng mềm nhũn, hóa dịch... Dịch bệnh lây lan rất nhanh nên phần lớn việc chữa trị đều không có hiệu quả.
Qua kiểm tra nhanh bằng phương pháp soi tươi, nhóm thực hiện đề tài đã xác định nấm và ký sinh trùng cường độ nhiễm thấp, nhận định chỉ là tác nhân cơ hội, không thể gây hiện tượng chết hàng loạt tôm Sú nuôi bán thâm canh. Phương pháp kiểm tra nhanh (phết) mô gan tụy nhuộm Gram hoặc Giemsa cho thấy 203 mẫu thu từ các mẫu tôm bệnh điển hình được kiểm tra, đều phát hiện sự có mặt của dạng vi khuẩn hình que, bắt màu yếu gram âm của thuốc nhuộm gram nhưng dễ quan sát hơn bằng phương pháp nhuôm Giemsa.
Kết quả kiểm tra gan tụy tôm bệnh trong phòng thí nghiệm
Kiểm tra mầm bệnh vi rút: Tỷ lệ nhiễm mầm bệnh vi rút của nhóm tôm thu từ ao bị bệnh, tỷ lệ nhiễm vi rút đốm trắng chiếm 1,84%, MBV 25,74% (n=272), 100% mẫu thu không nhiễm vi rút đầu vàng, IHHNV, HPV.
Kiểm tra mầm bệnh vi khuẩn: Từ 203 mẫu thu trong các ao tôm bị bệnh chết không rõ nguyên nhân thuộc 3 huyện Phú Lộc, Phú Vang và Hương Trà, kết quả đã phân lập được phân 3 chủng vi khuẩn từ 198 mẫu bị nhiễm tỷ lệ nhiễm 97,03%, đã định danh và xác định được 3 loài vi khuẩn thuộc giống Vibrio trong đó: Vi khuẩn V. Parahaemoyticus chiếm 83,33%; Vi khuẩn V. Vulnificus chiếm, 13,10%; Vi khuẩn V. Cholerae chiếm 3,57%. Kết quả này phù hợp với kết quả kiểm tra nhanh tại hiện trường.
Kiểm tra mầm bệnh bằng mô bệnh học: Để kiểm chứng mức độ nhiễm vi khuẩn trên mẫu tôm thu được và sự biến đổi mô gan tụy do vi khuẩn gây ra chúng tôi cắt mô nghiên cứu bằng phương pháp mô bệnh học và kết quả được thể hiện như sau: năm 2010 tỷ lệ nhiễm tác nhân vi khuẩn trên 60 mẫu gan tụy tôm bệnh là 54%; năm 2011 tỷ lệ nhiễm tác nhân vi khuẩn trên 30 mẫu gan tụy tôm bệnh là 100 %; năm 2012 tỷ lệ nhiễm tác nhân vi khuẩn trên 89 mẫu gan tụy tôm bệnh 75,28% .
Kiểm tra mầm bệnh bằng kính hiển vi điện tử: Có 20 mẫu gan tụy của tôm bị bệnh được thu tại các ao khác nhau đã được cố định bằng nghiên cứu kính hiển vi điện tử. Tất cả các mẫu đều bị cảm nhiễm vi khuẩn rất nặng, không phát hiện thấy sự có mặt của các vi thể của virus, ký sinh trùng, các tế bào gan tụy của tôm bị thoái hóa nặng, màng tế bào bị phá vỡ, khó phân biệt được ranh giới của các tế bào.
Kết quả phân tích để xác định tác nhân chính có liên quan đến dịch bệnh tôm Sú nuôi thâm canh trong đầm phá năm 2010, 2011
Tỷ lệ nhiễm vi rút đốm trắng, nấm rất thấp từ 13,37-1,84% Chỉ phát hiện được ở thị xã Hương Trà. Tỷ lệ nhiễm vi rút MBV không cao là 25.75% (phù hợp với các nghiên cứu trước đây là vi rút MBV không gây chết hàng loạt cho tôm nuôi mà chúng chỉ làm cho tôm còi, sức đề kháng yếu, tạo cơ hội cho các tác nhân khác tấn công). Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng tương đối cao 57,78% (nhưng chúng chỉ gây nguy hiểm cho ấu trùng tôm, chưa có tài liệu nào công bố sinh vật bám gây cho tôm nuôi tương phẩm chết hàng loạt. Cho nên các tác nhân này không phải là tác nhân chính gây nên dịch bệnh tôm Sú nuôi bán thâm canh trong đàm phá tại Thừa Thiên Huế. Vì vậy, chúng tôi không thực hiện thí nghiệm gây nhiễm đối với các tác nhân này. Với nhận định trên nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành thí nghiệm gây nhiễm đối với tác nhân là vi khuẩn.
Các nguyên nhân khác
Qua kết quả nghiên cứu nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra một số nguyên nhân gây nên hiện tượng tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá năm 2010-2011 chết hàng loạt như sau: Mầm bệnh là nhóm vi khuẩn Vibrio phá hủy gan tụy gây chết trên tôm sú nuôi bán tâm canh trong đầm phá, các yếu tố môi trường bất lợi cũng góp phần làm cho tôm bị bệnh nặng hơn, thời gian ủ bệnh, chết nhanh hơn và bệnh lây lan nhanh hơn. Bên cạnh đó những bất cập của hệ thống ao nuôi đã gây nhiều khó khăn cho việc khống chế bệnh lây lan.
Kết quả áp dụng thí điểm phòng bệnh để nuôi tôm sú tại 2 xã Phú Xuân và Lộc Điền
Tại xã Phú Xuân, tuy hiệu quả kinh tế của các ao thử nghiệm chưa cao nhưng trong khi những ao nuôi chung quanh đều bị bệnh chết, gây thất thu lớn cho người nuôi, các ao thử nghiệm tôm vẫn phát triển và vẫn nuôi có hiệu quả chứng tỏ đã tìm đúng tác nhân gây bệnh trên tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá năm 2010-2011, các giải pháp áp dụng là hợp lý và có thể nhân rộng để bà con học tập, làm theo nhằm góp phần giảm rủi ro cho nghề nuôi tôm sú bán thâm canh trong đầm phá, giảm nhẹ thiệt hại và ổn định sản xuất cho người nuôi.
Tại xã Lộc Điền, tuy hiệu quả kinh tế của các ao thử nghiệm ở xã Lộc Điền cũng chưa cao, nhưng trong khi những ao nuôi chung quanh đều bị bệnh, phải thu non hoặc thất thu, các ao thử nghiệm tôm vẫn phát triển và nuôi có hiệu quả, chứng tỏ các giải pháp áp dụng là hợp lý và có thể nhân rộng để bà con học tập, làm theo nhằm góp phần giảm rủi ro cho nghề nuôi tôm sú bán thâm canh trong đầm phá, giảm nhẹ thiệt hại, ổn định sản xuất cho người nuôi. Tuy nhiên việc quảng bá mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh trong đầm phá ở Lộc Điền gặp nhiều khó khăn do bà con đang lén lút nuôi tôm chân trắng với lãi suất cao hơn và thời gian nuôi ngắn hơn.
Kết luận
Qua điều tra và phỏng vấn 300 người là cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý nuôi trồng thủy sản ở địa phương và hộ trực tiếp nuôi tôm các ý kiến chung nhận định về bệnh tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá năm 2010, 2011 như sau: Hiện tượng tôm sú chết hàng loạt diễn ra vào tháng 4 đến tháng 6 năm 2010 và lặp lại vào tháng 8, 9 năm 2010. Tôm bệnh vào giai đoạn sớm từ 30-100 ngày tuổi, bệnh bùng phát mạnh, tôm chết hàng loạt (100%) lắng đáy, lây lan nhanh chóng, dù đã tập trung khoanh vùng dập dịch và tiêu huỷ theo đúng quy định. Hầu hết các hộ được phỏng vấn đều trả lời là tôm nuôi bị chết chưa rõ nguyên nhân đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây tâm lý hoang mang lo lắng và làm cho người dân rất khó khăn trong việc đầu tư nuôi thủy sản ở những năm tiếp theo.
Kết quả đề tài tìm tác nhân gây bệnh trên tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá năm 2010 được xác định là do 03 loài vi khuẩn V. parahaemolyticus, V. vulnificus, V. cholerae thuộc giống vi khuẩn Vibrio gây ra. Riêng ở thị xã Hương Trà, bệnh gây chết tôm ở các ao nuôi vùng cao triều Vĩnh Trị, xã Hải Dương năm 2011 do vi rút đốm trắng gây ra. Vi rút gây các bệnh nguy hiểm không phải là tác nhân chính gây bệnh trên tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá năm 2010, nấm, ký sinh trùng chỉ là tác nhân cơ hội khi tôm đã bị nhiễm vi khuẩn.
Kết quả nghiên cứu tìm ra nguyên nhân gây dịch bệnh trên diện rộng ở tôm nuôi bán thâm canh trong đầm phá tại Thừa Thiên Huế như sau: Tôm giống đa số không được kiểm tra mầm bệnh trước khi thả theo đúng quy định, một số mẫu tôm giống đã nhiễm mầm bệnh vi khuẩn Vibrio khi gặp thời tiết bất lợi như nhiệt độ nước cao, hàm lượng DO thấp cục bộ, môi trường ao nuôi không tốt, sức đề kháng của tôm yếu làm bệnh phát triển mạnh, gây chết nhanh đồng loạt. Hệ thống các ao hồ nuôi tôm hầu hết không có ao lắng và ao xử lý nước lấy trực tiếp từ đầm phá vào, làm cho dịch bệnh có điều kiện lây lan nhanh chóng.
Kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trị bệnh do vi khuẩn V. parahaemolyticus cho tôm sú có hiệu quả đối với các loại kháng sinh Streptomycin, Riphamycin, Doxyciline, dịch chiết là trầu, dịch chiết củ tỏi, dùng với liều lượng: với thuốc kháng sinh liều lượng điều trị là 35mg/1kg tôm ngày trộn vào thức ăn, với dịch chiết củ tỏi và là trầu liều lượng điều trị là 300ml/kg thức ăn/ngày. Cho ăn liên tục trong 7 ngày.
Trong nuôi trồng thủy sản việc điều trị rất tốn kém nhưng hiệu quả không cao, đề tài đã đề xuất giải pháp phòng bệnh phù hợp trong điều kiện hiện nay là: Nguồn giống đưa vào nuôi phải được kiểm tra chất lượng chặt chẽ bằng phương pháp PCR để đảm bảo tôm giống tốt, không mang mầm bệnh. Quản lý tốt môi trường ao nuôi, nước thay hoặc bổ sung phải qua ao lắng và được xử lý để hạn chế mầm bệnh. Sử dụng loại thức ăn đảm bảo, quản lý chặt chẽ lượng thức ăn cung cấp. Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung dịch chiết củ tỏi, dịch chiết lá trầu với liều lượng 300mg/kg thức ăn/ngày/5 ngày liên tục/tháng.
Kết quả triển khai áp dụng thử nghiệm ở Lộc Điền và Phú Xuân cho kết quả tốt, các ao thử nghiêm đều nuôi có lãi tuy không cao, nhưng tôm không bị bệnh trong hoàn cảnh các ao nuôi tôm của bà con ở chung quanh đa số bị nhiễm bệnh, chết gây thất thu lớn cho các hộ nuôi. Hiệu quả thử nghiệm đã góp phần cũng cố thêm các kết quả nghiên cứu về bệnh trên tôm sú nuôi bán thâm canh trong đầm phá năm 2010, quy trình phòng bệnh phù hợp, đã được áp dụng có hiệu quả ở các địa phương thử nghiệm, phù hợp với nghề nuôi tôm trong đầm phá ở Thừa Thiên Huế .ấu khi hoàn thành việc nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã đưa ra một số kiến nghị, theo đó khi quy hoạch vùng nuôi bắt buộc phải có áo lắng-ao xử lý, để diệt mầm bệnh trước khi cấp nước vào ao nuôi nhằm hạn chế bệnh lây lan. Nên thay đổi đối tượng nuôi hoặc nuôi xen canh để cải thiện môi trường, đồng thời bố trí kinh phí để các ngành, địa phương quảng bá rộng rãi và tập huấn quy trình phòng-trị bệnh tôm do vi khuẩn vibrio gây ra giúp người nuôi biết cách đề phòng hạn chế thiệt hại, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội.
Tập tin đính kèm: Nguyễn Minh Đức - Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Các tin khác
|