Hiện nay trong sản xuất lúa, rơm rạ sau khi thu hoạch được người dân sử dụng một phần dự trữ làm thức ăn cho trâu bò, ủ phân hoặc làm nguyên liệu trồng nấm… nhưng hầu như đa số các nơi rơm rạ đều để lại trên mặt ruộng và đốt bỏ, cách làm này sẽ làm đất đai ngày càng thoái hóa, gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Bên cạnh đó, thời gian chuyển vụ từ Đông Xuân sang Hè Thu tại Thừa Thiên Huế rất ngắn, trong một số trường hợp rơm rạ của vụ Đông Xuân không kịp phân hủy để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa mà trái lại còn gây nên những thiệt hại cho sản xuất. Khi làm đất, gieo sạ lúa Hè Thu trên các chân ruộng rơm rạ chưa kịp phân hủy dễ xảy ra tình trạng lúa chết sau gieo; trên các vùng trũng, rơm rạ phân hủy trong điều kiện yếm khí sẽ gây nên ngộ độc hữu cơ cho cây lúa.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên; trong vụ Hè Thu các năm 2017- 2019; Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng các địa phương xây dựng mô hình “Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch” . Vụ Hè Thu năm 2019 triển khai thực hiện mô hình với quy mô là 106 ha tại 11 hợp tác xã.
Bên cạnh các biện pháp truyền thống như cày lật đất, dùng máy lồng loại lớn để cày vùi rơm rạ, thì việc sử dụng các chế phẩm vi sinh đã tạo các điều kiện cho quá trình phân hủy rơm rạ được nhanh hơn. Trong thời gian qua, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã sử dụng chế phẩm sinh học Phân hủy gốc rạ CNX để thực hiện mô hình và được bà con nông dân đánh giá cao. Sau thời gian triển khai kết quả cho thấy trên ruộng có xử lý bằng chế phẩm vi sinh rơm, rạ phân hủy nhanh, nền ruộng xốp, mặt nước trong, ít có hiện tượng váng đỏ, đất mềm, tỷ lệ lúa chết lúc mới gieo (do ngộ độc hữu cơ, rơm rạ chưa phân hủy…) ít hơn, giảm được công dặm tỉa. Rễ, thân, lá lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, thân to, lá có màu xanh bền, hạn chế tình trạng lúa bị bệnh bệnh nghẹt rễ vàng lá sinh lý.
Theo kinh nghiệm của các đơn vị đã sử dụng chế phẩm này thì cần phay, lồng đất 1-2 lượt trước khi rãi chế phẩm hiệu quả sẽ tốt hơn. Sử dụng đúng loại chế phẩm uy tín, chất lượng, tránh mua phải sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng. Trong quá trình canh tác cũng cần điều chỉnh lượng phân bón, đặc biệt là phân đạm tránh tình trạng bón thừa phân dẫn đến lúa dễ bị bệnh, lốp đổ. Tăng cường tuyên truyền vận động, tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân hiểu rõ và áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất để đạt được hiệu quả tốt nhất.