Sáng ngày 14/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; đại diện cho Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn có Phó Giám đốc sở - ông Trương Văn Giang cùng đại diện các sở, ban ngành.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2020 tuy phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được tăng trưởng nông sản đạt 41.2 tỷ USD tăng 2.6% so với năm 2019. Là bước đệm cho 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu đạt 17.15 tỷ USD tăng 24.4% so với cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, hiện nay dịch lại bùng phát trên 26 tỉnh thành cũng như tình hình dịch COVID-19 các nước trên thế giới vẫn có diễn biến phức tạp đã và đang tác động lớn đến kinh tế- xã hội nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển lưu thông hàng hoá, một số ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ trong đó có nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như cước vận chuyển tăng, thị trường quốc tế thiếu nguồn cung ứng, thiếu container, ứ động hàng hoá cục bộ.
Từ đầu năm đến nay, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo và phối hợp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động sáng tạo điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để có thể thúc đẩy tiêu thụ nông sản vừa có thể đảm bảo phòng tránh dịch bệnh theo tinh thầm chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn hàng để có thể cung cấp cho thị trường sau dịch bệnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tại hội nghị, Đại diện một số địa phương và doanh nghiệp đã báo cáo tình hình khó khăn để thảo luận, chia sẽ đề xuất hỗ trợ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương cần thực hiện những chính sách để có thể hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân thuộc diện chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh đồng thời áp dụng các chính sách khuyến khích các biện pháp để có thể thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Ngoài ra các địa phương cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, cần quan tâm tới việc lưu thông hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu biên giới tránh tình trạng ứ động nông sản cục bộ.