Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
CUỘC HỌP LẦN THỨ 2 CỦA NHÓM CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ ĐỐI TÁC MỘT SỨC KHỎE VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TỪ ĐỘNG VẬT SANG NGƯỜI OHP
Ngày cập nhật 08/08/2024

Thúc đẩy phối hợp đa ngành và hợp tác đa phương trong quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam: Cuộc họp lần thứ 2 của Nhóm Công tác An toàn Thực phẩm Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OHP).

 

     Sáng ngày 19/7/2024, tại Hà Nội, tiếp nối thành công của Cuộc họp thường niên lần 1 ra mắt Nhóm Công tác An toàn Thực phẩm (ATTP) thuộc Khung Đối tác Một Sức khỏe Việt Nam (OHP) tháng 9 năm 2023, Cuộc họp kỹ thuật lần thứ 2 được Bộ Nông nghiệp và PTNT với sự phối hợp của Viện Chăn nuôi quốc tế (ILRI). Nhóm công tác kỹ thuật liên ngành ATTP là một trong 05 Nhóm Công tác kỹ thuật liên ngành trong khuôn khổ Khung Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người. (Khung đối tác do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì chính với sự đồng chủ trì của 02 Bộ liên ngành là Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường). 

     Cuộc họp được đồng chủ trì bởi TS Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (NAFIQAD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), và TS Fred Unger, Trưởng đại diện Khu vực Châu Á của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), cùng với sự tham gia của đại diện thuộc Bộ Y tế, Bộ Công thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y từ 20 tỉnh thành (tham dự online) khối tư nhân, viện trường và Hiệp hội, đặc biệt là sự đồng hành tích cực của các Đối tác phát triển quốc tế song phương và đa phương cùng chung tay cam kết vì một Việt Nam khỏe mạnh thông qua chủ đề lần này là: Từ trang trại tới bàn ăn.

     Phát biểu tại Hội nghị, TS Lê Bá Anh ghi nhận những tiến bộ đã đạt được kể từ cuộc họp đầu tiên, khẳng định ATTP vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong khuôn khổ Đối tác Một sức khỏe, Bộ NN&PTNT luôn cố gắng làm tốt vai trò điều phối, tạo ra các cơ chế, diễn đàn chia sẻ, nhân rộng những kết quả nghiên cứu, bài học, kinh nghiệm thực tế về các hoạt động, chương trình ATTP quốc tế và quốc gia, đồng thời, làm cầu nối, kết nối các bên liên quan trong nước và đối tác phát triển quốc tế để lắng nghe những như cầu thực tế từ các cơ quan chính phủ Việt Nam, có cơ sở hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, bố trí nguồn lực phù hợp với tình hình và điều kiện của Việt Nam.

     Thống nhất với quan điểm nay, Tiến sĩ Fred Unger đánh giá cao tinh thần hợp tác, trách nhiệm của các Bên liên quan, ông khẳng định: “Nhóm công tác ATTP đóng vai trò là một nền tảng quan trọng để các bên liên quan từ các ngành khác nhau chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất sáng kiến, và tăng cường sự phối hợp và hợp tác đa ngành.

     Tại Cuộc họp lần 2, các bên tập trung vào i) tiến độ triển khai chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm và công tác quản lý ngộ độc an toàn thực phẩm; (ii) Các hoạt động truyền thông về ATTP năm 2024 và các hoạt động triển khai về ATTP của các đối tác chính phủ, tư nhân và quốc tế; (iii) Từ đó tham vấn các kết quả từ các dự án, chương trình đã và đang triển khai; kiến nghị các khó khăn và giải pháp cho các can thiệp về ATTP. Đồng thời, (iv) đề xuất các cơ chế tăng cường điều phối và hợp tác; (v) Đưa ra các danh mục mong muốn nhận được hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và bên liên quan cho các Bộ ban ngành có liên quan.  

     Diễn đàn là cơ hội để các thành phần kinh tế, các bên liên quan tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và thực hành tốt từ các sáng kiến, dự án, chương trình đang thực hiện về ATTP, trong đó, sáng kiến của khối tư nhân được đồng trình bày bởi đại diện của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội công nghệ cao về sự liên kết các Doanh nghiệp bán lẻ trong thực hành ATTP có áp dụng công nghệ cao cho công tác quản lý chất lượng thực phẩm và quy trình thu hồi sản phẩm. Đây là mô hình hợp tác công tư điển hình và nên được nhân rộng. Đồng thời, các cơ quan Chính phủ, Tổ chức quốc tế song phương và đa phương cũng cập nhật và kiến nghị các can thiệp, giải pháp và thể chế về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương.

     Cuộc họp nhất trí cao về phương pháp tiếp cận toàn diện và đa ngành Một sức khỏe, đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên của các ngành trong thời gian tới. Các Bên đều khẳng định tinh thần trách nhiệm chung trong kiểm soát ATTP, tích cực phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau và thể hiện trách nhiệm chung vì một cộng đồng khỏe mạnh, đảm bảo một khung an toàn thực phẩm bền vững cho Việt Nam và giúp Việt Nam tiếp tục là quốc gia cung cấp lương thực tin cậy và an toàn cho thế giới./.

Nguồn: https://onehealth.org.vn

                                                                                         CHI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 6.274.703
Truy câp hiện tại 8.148