Ngày nay nhu cầu thực phẩm, hải sản tươi sống ngày càng gia tăng, các loại hải sản như tôm, cua, cá, mực,… rất phổ biến trong các bữa ăn của người Việt. Từ khâu nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; qua quá trình vận chuyển đến các đơn vị sử dụng như nhà bếp, quán ăn, nhà hàng…, không ít người kinh doanh vì lợi nhuận đã thực hiện các hành vi sử dụng hóa chất cấm nhằm đảm bảo hải sản tươi ngon, hoặc gian lận thương mại (như bơm tạp chất vào tôm để tăng size)
Để cung cấp hải sản tươi ngon đến các thành phố lớn, đặc biệt các vùng xa biển, người kinh doanh sử dụng ure, sunfit, foocmon, hàn the… làm trắng, ngâm tẩm để giữ độ tươi của hải sản; dùng agar để tăng trọng lượng và size tôm sú nhằm tăng giá trị hàng hóa…
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Đề án số 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016 về Kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 23/3/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế… nhằm ngăn chặn, phòng ngừa triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Đây cũng là một trong những hành vi sai phạm trong việc sử dụng hóa chất cấm trong thu mua, bảo quản thủy hải sản.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền việc đưa hoá chất, kháng sinh cấm vào trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản nhằm đảm bảo sự phát triển ngành thủy sản của địa phương.
Sản phẩm thủy sản nhiễm hoá chất cấm thông thường do cơ sở đánh bắt, thu mua, kinh doanh, vận chuyển đã sử dụng trực tiếp hóa chất và đưa vào sản phẩm nhằm mục đích bảo quản nguyên liệu thủy sản. Vì vậy để khắc phục trình trạng thủy sản nhiễm các hóa chất kháng sinh cấm, đề nghị thực hiện tốt một số biện pháp sau:
- Đối với tàu cá: Sử dụng nước đá an toàn vệ sinh để bảo quản nguyên liệu thủy sản. Tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, kháng sinh cấm hoặc không có nhãn mác, không rõ thành phần để bảo quản, xử lý nguyên liệu thủy sản. Sử dụng nước sạch hoặc nước biển sạch để rửa nguyên liệu thủy sản, dụng cụ chứa đựng nguyên liệu hải sản. Không sử dụng nước không đảm bảo an toàn vệ sinh như nước sông.
- Đối với các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến: ngoài những điều trên cần thực hiện thêm những điều sau:
+ Kiên quyết không mua nguyên liệu thủy sản có chứa tạp chất, hóa chất, kháng sinh cấm hoặc không rõ nguồn gốc. Rửa tay bằng xà phòng và đeo găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với nguyên liệu thủy sản.
+ Ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan đến lô hàng thủy sản (thời gian tiếp nhận, chủng loại, khối lượng, người bán/mua). Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa việc sử dụng hóa chất kháng sinh trong thủy sản./.