Trong những năm gần đây, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, toàn quốc vẫn còn ghi nhận những vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó nhiều vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên. Ngộ độc thực phâm do độc tố tự nhiên thường có số người mắc thấp nhưng số lượng người tử vong lại chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân là do một số người dân, đặc biệt là trẻ em thường có thói quen hái, sử dụng, ăn, chơi các loại rau, quả rừng, nấm hoang dại; trong đó có rất nhiều loại quả chứa độc tố tự nhiên có nguy cơ xảy ra ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng.
Năm 2020 toàn quốc ghi nhận 49 vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong một số loài thực vật, động vật (như nấm, cóc, so biển, cá nóc, cá hồng, ốc biển, sắn, rau muống biển, rau rừng…) làm nhiều người mắc và 26 người tử vong; so với năm 2019 tăng 20 vụ và tăng 15 người tử vung. Trong đó đáng chú ý là có 23 vụ ngộ độc thực phẩm do nấm độc, làm 90 người mắc và 14 người tử vong xảy ra tại các tỉnh miền núi và Tây Nguyên. Ngoài ra, gần nhất vào ngày 30/3/2021 ghi nhận một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai được chuẩn đoán ngộ độc do ăn cua mặt quỷ (Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế).
Một số loại thực phẩm chứa chất độc tự nhiên như:
Độc tố từ nấm: Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc; bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc; bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu phù hợp, nhất là vào mùa xuân thời tiết ấm rất phù hợp cho các loại nấm độc sinh trưởng, phát triển… Người ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện: Người bị ngộ độc có triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật cơ, đau cơ, ảo giác... nếu như không được phát hiện và cứu chữa kịp thời người bệnh có nguy cơ tử vong.
Ngộ độc thịt cóc: Cóc hay được dùng làm thực phẩm bổ dưỡng cho người già; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng sau ốm dậy; hỗ trợ điều trị trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa… dưới dạng ruốc, bột hoặc thịt tươi dùng để nấu cháo, làm chả cóc... Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc. Khi ăn phải chất độc của cóc, sau vài giờ nạn nhân thấy chóng mặt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói mửa dữ dội, kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim đập chậm lại, tuột huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan. Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc.
Độc tố từ mật cá: Mật cá trắm với lời đồn truyền miệng rằng uống sống sẽ tăng cường sức khỏe. Trong mật cá có chất alcol steroid là 5 a-cyprinol, chất này sau khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận gây ra suy gan và suy thận cấp. Triệu chứng xuất hiện 1-2 giờ sau khi uống mật cá: Người bệnh thấy khó chịu, đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy, 1 ngày sau thấy đi tiểu ít dần rồi vô niệu, có thể phù hai chân, đau đầu, tăng huyết áp, vàng da nhẹ, dần tới suy thận, suy gan và có thể tử vong nếu không đi cấp cứu kịp thời.
Mộc nhĩ tươi chứa độc: Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng - chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thũng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu chín kỹ thì mới an toàn.
Chất độc trong khoai tây để lâu ngày: Khoai tây để lâu ngày hoặc để chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là khoai tây đã mọc mầm hay khi vỏ khoai đã chuyển sang màu xanh thì hàm lượng chất độc solanin trong khoai tăng lên rất cao. Triệu chứng ngộ độc là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở.
Nấm trong lạc rất độc: Lạc (đậu phộng) tươi là thực phẩm có chất dinh dưỡng rất tốt cho cơ thể người. Nhưng nếu bảo quản không tốt, để trong môi trường ẩm ướt..., lạc dễ bị mốc. Nấm mốc trên lạc rất độc, người ăn phải sẽ bị ngộ độc với các triệu chứng: Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy...
Độc tố từ cá nóc: Chất độc của cá nóc gọi là tetrodotoxin (TTX) là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1000 lần so với Cyanua. Bình thường nó tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố Tetrodomin không độc; nhưng khi cá bị ươn hoặc bị va đập, tiền chất Tetrodomin sẽ biến đổi thành chất TTX gây độc. Khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C trong 6 giờ độc tố TTX mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi khi được đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút. Vì thế, không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thuờng. Độc tố cá nóc nếu nặng sẽ xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm. Nguyên nhân tử vong do ngộ độc cá nóc là: liệt cơ hô hấp và hạ huyết áp.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương về tăng cường thông tin truyền thông và hướng dẫn người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng động thực vật có chứa độc tố tự nhiên như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cua mặt quỷ, rau quả lạ… Đặc biệt chú trọng đối với người dân ven biển và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không sơ chế, chế biến các loài động vật, thực vật rủi ro cao chứa độc tố tự nhiên như đã nêu ở trên./.