Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ, phối hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, tổ chức và nhân dân, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cùng với trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh ngày càng nâng cao nên đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được những chuyển biến tích cực và khá toàn diện: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh; thể chế, văn bản quy phạp phám luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngày càng hoàn thiện theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và cơ chế vận hành từng bước được kiện toàn; phương tiện, nguồn lực được tăng cường; vi phạm ATTP gây bức xúc dư luận xã hội giảm; tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP tăng từ 82% năm 2015 lên 98% năm 2020; tỷ lệ mẫu nông lâm thủy sản được giám sát đạt yêu cầu ATTP tăng từ 91,7% năm 2015 lên 94,34% năm 2020; xuất khẩu nông lâm thủy sản tới 190 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch tăng từ 19,53 tỷ USN năm 2010 lên mức 41,25 tỷ USD năm 2020,…
Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP, chất lượng nông lâm thủy sản còn những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa đầy đủ và chưa cập nhật kịp thời theo chuẩn mực quốc tế; tổ chức bộ máy, cán bộ các cấp của một số địa phương chưa đầy đủ, thiếu ổn định; cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế tài chính chưa đáp ứng nhu cầu; các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biện được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế còn thấp; chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản chưa đồng đều, thiếu ổn định, thất thoát sau thu hoạch còn lớn; sản xuất nhỏ lẻ còn nhiều dẫn đến thói quen lạm dụng, sử dụng vật tư nông nghiệp không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc,…
Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế trên là do nhận thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt của một số cấp ủy đảng, chính quyền; tinh thần trách nhiệm, năng lực tổ chức thực thi pháp luật của một số cơ quan, cán bộ, công chức còn hạn chế; nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người dân về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản chưa đầy đủ.
Để phát huy các thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả đưa công tác quản lý chất lượng, đảm bảo ATTP tiếp tục đổi mới, chuẩn hóa phù hợp với tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới, Ban cán sự đảng Bộ ban hành Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030.
QUAN ĐIỂM:
1. Bảo đảm chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và quyền lợi của nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền thuộc Bộ, ngành; là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân. Tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, thông tin truyền thông, tăng cường năng lực thực thi pháp luật; đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành, hội nhập quốc tế.
2. Bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản.
3. Huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao trong thời đại kinh tế số để nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản.
MỤC TIÊU:
Góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Nội dung chi tiết của Nghị quyết số 14-NQ/BCSĐ: File đính kèm.