An toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến nhiều lĩnh vực, cùng một lúc chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan (Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương) cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trên địa bàn tỉnh thực hiện ngày càng hiệu quả.
Các đơn vị trực tiếp phụ trách quản lý an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh:
- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, giúp Giám đốc Sở Y tế tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước (QLNN) về vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ VSATTP; thực hiện thanh tra chuyên ngành về VSATTP trên địa bàn tỉnh theo qui định của pháp luật.
- Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, VSATTP đối với nông, lâm, thủy sản trong quá trình sản xuất đến khi thực phẩm được đưa ra thị trường.
- Phòng Kỹ thuật - An toàn - Môi trường thuộc Sở Công thương tham mưu thực hiện công tác QLNN về an toàn thực phẩm (ATTP) của Ngành Công thương trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm công nghiệp, an toàn vệ sinh, môi trường công nghiệp; ATTP từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sản phẩm sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng và các sản phẩm khác…
Năm 2022, tình hình dịch Covid 19 vẫn có nhiều chuyển biến phức tạp nên công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyến cơ sở. Tuy nhiên, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong năm qua đạt được kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra: không có các vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người, không có trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm; không có các sự cố về an toàn thực phẩm; không phát hiện các hành vi vi phạm bơm nước, tiêm thuốc an thần... vào gia súc, gia cầm, sản phẩm thủy sản.
Các Sở, Ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, góp phần ổn định thị trường, an sinh xã hội.
Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm vào dịp lễ hội, tết Nguyên đán, tết Trung thu, thàng hành động... nhằm tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh và phân phối thực phẩm, ngăn chặn, hạn chế các hành vi gây mất an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng số đoàn kiểm tra 458 đoàn, trong đó số đoàn kiểm tra tuyến tỉnh: 08 đoàn (03 đoàn liên ngành và 05 đoàn chuyên ngành); Số đoàn kiểm tra tuyến huyện: 27 đoàn liên ngành; Số đoàn kiểm tra tuyến xã, phường: 423 đoàn. Tổng cộng trên địa bàn toàn tỉnh đã kiểm tra 4.770 cơ sở, số cơ sở đạt yêu cầu 4.221 (đạt tỷ lệ 88,5 %); toàn tỉnh xử lý vi phạm hành chính 20 cơ sở với tổng số tiền phạt 39.500.000đ (tuyến tỉnh phạt 16 cơ sơ với số tiền 31.000.000đ, tuyến huyện phạt 4 cơ sở với số tiền 8.500.000đ); Các đoàn kiểm tra tuyến huyện và xã phường (chủ yếu vùng sâu, vùng xa) đã tiến hành tiêu hủy 232 sản phẩm của 105 cơ sở kinh doanh thực phẩm do vi phạm về ghi nhãn hàng hóa và hàng hóa hết hạn sử dụng; nhắc nhở 116 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm chưa tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về đảm bảo ATTP. Các nội dung vi phạm chủ yếu: Điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo; nhân viên không sử dụng giày dép riêng biệt khi vào khu sản xuất; sử dụng thiết bị, phương tiện bảo quản, bao gói thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền một số chỉ tiêu vi sinh vật vượt ngưỡng quy chuẫn kỹ thuật tương ứng, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm không đúng quy định; chưa chú trọng đến các quy định về nguồn gốc nguyên liệu đầu vào sản xuất…
Công tác thanh kiểm tra có trọng tâm, nhóm thực phẩm nguy cơ cao, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong giai đoạn khó khăn. Các ngành đã nỗ lực và linh động chỉ đạo, điều hành hoạt động trong tình hình mới, căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tiễn mà các hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai tăng cường hoặc giãn cách, có thể thực hiện kiểm tra trực tuyến nếu cần thiết. Mục tiêu đề ra là vẫn đảm bảo công tác quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tránh trường hợp xảy ra sự cố mất an toàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như truyền thông, quảng bá sản phẩm từ những cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chất lượng, an toàn được thực hiện thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
Ảnh hưởng sau 2 năm dịch bệnh Covid-19 kéo dài, sự khôi phục sản xuất tại các cơ sở diễn ra chậm, công tác thẩm định định kỳ các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chưa đảm bảo đúng tần suất quy định (12 tháng đối với cơ sở loại B, 18 tháng đối với cơ sở loại A). Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2022, các đơn vị đã tổng lực tăng cường công tác thẩm định định kỳ, đến nay cơ bản đảm bảo tiến độ.
Về Công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP và tự công bố sản phẩm:
- Sở Y tế (Chi cục ATVSTP): Năm 2022 đã cấp 173 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Tỷ lệ cấp giấy giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tổng số cơ sở tuyến tỉnh quản lý 471 đã cấp còn hạn 408 (86,24%). Tiếp nhận Bản tự công bố sản phẩm: 179 sản phẩm, lũy tích 991 sản phẩm.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản): Năm 2022, thực hiện cấp 106 Giấy Chứng nhận đủ điều kiện An toàn thực phẩm đưa tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận lên 295 cơ sở.
- Sở Công Thương: Trong năm 2022 đã cấp 80 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, lũy kế đến nay 191 Giấy chứng nhận.
Công tác giải quyết phản ánh, khiếu nại của công dân, giải quyết sự cố thực phẩm không an toàn được thực hiện có hiệu quả, nghiêm túc:
- Ngày 24/01/2022; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiếp nhận Công văn số 103/ATTP-PCTTR ngày 17/01/2021 của Cục ATTP-BYT về việc truy suất nguồn gốc thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không đảm bảo an toàn do có chứa chất cấm Sibutramine, Chi cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời về nội dung thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không đảm bảo an toàn tại CTCP Thương mại dược phẩm Mạnh Tý - Việt Mỹ (Số 1, đường số 5, cụm CN An Hoà, phường An Hoà, thành phố Huế).
- Ngày 10/5/2022; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về việc cơ sở sản xuất trà Cung Đình Huế của ông Nguyễn Đức Phượng làm chủ hộ kinh doanh (24 Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế) có in hình một diễn viên Hàn Quốc gây tranh cãi. Kết quả: đã tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời, xử phạt vi phạm hành chính cơ sở sản xuất Trà Đức Phượng 5.000.000đ.
Đánh giá chung về việc thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm 2022, các ngành đã không ngừng nỗ lực trong việc triển khai hoạt động chuyên môn, vừa phòng chống dịch vừa cố gắng đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm. Tuy một số nhiệm vụ chưa thể hoàn thành tốt 100% các chỉ tiêu nhưng hiệu quả các công việc đã triển khai cơ bản hoàn thành. Công tác kiểm tra giám sát, hậu kiểm được đảm bảo duy trì đủ và đúng đối tượng, xử lý vi phạm hành chính đúng kịp thời. Công tác kiểm tra giám sát được đảm bảo duy trì đủ và đúng đối tượng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế được nghiêm túc nhìn nhận và sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới:
- Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh trong năm qua có thay đổi về nhân sự, mới được kiện toàn, bổ sung nhân sự nên ít nhiều có ảnh hưởng đến việc chỉ đạo chung. Hoạt động của một số Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã phường chưa thực sự hiệu quả, chưa thực hiện quyết liệt công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại địa phương, chưa ban hành các văn bản mang tính chiến lược và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, bất cập phát sinh.
- Chính quyền địa phương cấp xã (xã, phường, thị trấn) chưa thực sự quan tâm và chủ động trong công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý. Chưa tích cực triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật, chỉ đạo điều hành, vẫn có tâm lý chờ cấp trên, thiếu chủ động. Lý do khách quan do số lượng cán bộ chuyên trách làm việc ít và kiêm nhiệm hoặc tổng hợp chung nhiều lĩnh vực; địa bàn quản lý tương đối rộng nên khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.
- Một số UBND cấp huyện chưa quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực (về nhân sự, tài chính, kế hoạch,...) để thực hiện quyết liệt công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại địa phương.
- Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù đã được tăng cường và duy trì, tuy nhiên chất lượng của các cuộc kiểm tra ở tuyến cơ sở chưa cao, chưa thật sự nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; sự phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn ở một số địa phương chưa chặt chẽ nên còn bỏ sót cơ sở trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ như sản xuất bún, rượu, bánh các loại, mắm, thức ăn nhanh, thức ăn đường phố, trà sữa…
- Công tác kiểm tra vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cẩm còn gặp nhiều khó khăn: tư thương đối phó, nguồn tự sản tự tiêu, điều kiện vệ sinh thú y ở các lò giết mổ, các chợ dân sinh còn bất cập. Vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ vẫn chưa đảm bảo vệ sinh thú y.
- Quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ còn khó khăn, bất cập, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, còn thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương.
- Hình thức xử phạt của các cơ quan quản lý nhà nước còn chủ yếu tập trung vào nhắc nhở, nhất là ở cấp xã, chưa xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm để đảm bảo tính răn đe cũng như chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong năm 2022, nhiều huyện, thị xã, thành phố và tuyến xã phường không có xử lý vi hành chính về an toàn thực phẩm.
- Thời gian gửi phân tích mẫu tại các cơ quan chức năng còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh, xử lý và khó khăn trong công tác lưu giữ, bảo quản tang vật.
- Chính sách và cơ chế cho sản xuất hữu cơ chưa đầy đủ như: thiếu chính sách về thị trường cho các sản phẩm hữu cơ; chính sách đặc thù hỗ trợ cho mô hình liên kết chuỗi; vốn đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học mới, giá cả.... Đặc biệt, việc thực hiện sản xuất hữu cơ theo đúng quy trình còn gặp nhiều khó khăn (do tập quán canh tác, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…). Mặt khác chưa có nhiều tổ chức chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, chi phí chứng nhận khá cao nên đã ảnh hưởng tới tâm lý của người sản xuất và tiêu dùng.
- Năm 2022, diễn biến khí hậu, thời tiết trái quy luật, nhất là các đợt mưa lớn bất thường, làm thiệt hại đến sản xuất. Cộng thêm tình hình giá cả vật tư, phân bón biến động, tăng cao đột biến (tăng khoảng 1,5 lần so với các năm trước) gây khó khăn và hạn chế trong việc sản xuất, đầu tư. Ngoài ra, một số vấn đề như: diện tích các loại cây trồng phân tán, diện tích canh tác bình quân trên hộ thấp nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy mô lớn; lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay tại các địa phương chủ yếu là người già, người lớn tuổi nên năng suất lao động chưa cao... cũng là những vấn đề cần quan tâm.