Trong thời gian tới, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn do lạm phát tiếp tục tăng ở một số quốc gia phát triển, chính sách tiền tệ thắt chặt, nhất là ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, điều này tác động không nhỏ tới sức mua của các mặt hàng trong nước. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự báo tăng khá do bước vào mùa du lịch. Chính phủ và các Bộ, cơ quan ban ngành đang tích cực chỉ đạo triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người sản xuất, tổ chức thực hiện các hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, một số khu vực thị trường xuất khẩu của Việt Nam tuy chiếm thị phần nhỏ nhưng nhiều tiềm năng và đang có xu hướng tăng trưởng (khu vực các nước ASEAN như Philippin, Indonexia, Malaysia, Singapore…), một số mặt hàng xuất khẩu vẫn duy trì tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm (gạo, rau quả, cà phê, sắn, quế…).
Để chủ động sản xuất, đảm bảo nguồn cung và lưu thông hàng hóa nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu theo xu hướng, nhu cầu và quy định thị trường, một số khuyến nghị đối với các địa phương, doanh nghiệp như sau:
Tháng 6 là thời điểm chính vụ rất nhiều mặt hàng trái cây (vải, thanh long, sầu riêng, mít…), giá một số trái cây ở các tỉnh phía Nam hiện có xu hướng giảm do sản lượng lớn. Đối với sầu riêng, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc giảm do một số nước lớn như Thái Lan, Malaysia,…cũng đã vào vụ. Các địa phương cần tăng cường cập nhật, phổ biến thông tin thị trường, nắm bắt nhanh sự thay đổi chính sách và tình hình lưu thông hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc để kiến nghị các giải pháp kịp thời, tránh để ùn ứ hàng hóa gây thiệt hại cho doanh nghiệp; duy trì các hoạt động giao thương, kết nối tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực tiềm năng (ASEAN, Trung Đông…).
Trong tháng 5, giá thịt lợn có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng khi bắt đầu vào mùa du lịch. Nhờ giá bán tăng, dịch bệnh kiểm soát tốt, người chăn nuôi có thể chủ động nguồn giống để giúp chăn nuôi phục hồi. Do đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên ngành cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tổ chức hiệu quả việc tiêm vaccine; giám sát, phát hiện và xử lý các ổ dịch mới phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trái phép, không rõ nguồn gốc.
Sản lượng thu hoạch tăng do thời tiết thuận lợi cùng với giá xăng, dầu ổn định nên hoạt động khai thác có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường xuất khẩu thấp nên cung vượt cầu, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn, các địa phương cần tiếp tục nắm bắt sát sao tình hình thực tiễn để kịp thời kiến nghị tháo vướng mắc, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước (tín dụng, thuế…) để phục hồi sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Xem đầy đủ bản tin tại tập tin đính kèm.