Ngày 25/7/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn số 1690 /SNNPTNT – CCCNTY về Tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến, theo đó Sở đề nghị UBND huyện thị xã và thành phố Huế, các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nội dung sau:
1. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế
Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến, kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép. Thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép. Xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, bẫy, vận chuyển, tiêu thụ chim yến trái pháp luật; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã trái pháp luật trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 09/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời.
Tổ chức kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi yến theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT, ngày 30/11/2019 về hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND, ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, Vùng nuôi chim yến và Chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, cơ sở nuôi chim yến phải tuân thủ các quy định của nhà nước về quản lý nuôi chim yến cụ thể như sau:
- Nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến;
- Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động nuôi chim yến, có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến, sơ chế, bảo quản tổ yến bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chim yến;
- Thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA (đề xi ben A); thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày.
- Trường hợp nhà yến đã hoạt động trước ngày 05 tháng 3 năm 2020 (ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ có hiệu lực thi hành) nhưng không đáp ứng quy định thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh;
- Không săn bắt; không dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến, nghiên cứu khoa học.
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tự di dời cơ sở nuôi chim yến hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực và không thuộc vùng nuôi chim yến theo quy định. Trường hợp không di dời thì phải giữ nguyên hiện trạng không được cơi nới và không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.
2. Các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quản lý nuôi chim yến, bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các sản phẩm từ tổ yến.
3. Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Hướng dẫn, theo dõi các địa phương tổ chức phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh trên gia cầm. Triển khai xây dựng và mở rộng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn chim yến. Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm tổ yến tại địa phương.
Phối hợp các địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký mã số cơ sở nuôi yến theo đúng quy định pháp luật về chăn nuôi (sau khi có Hướng dẫn của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp về đăng ký và cấp mã số cơ sở nuôi chim yến) để phục vụ công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.