Cuộc họp được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện 3 bộ Đề án Quy hoạch du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Khu bảo tồn Sao La giai đoạn 2023 - 2030 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đến tham dự họp có đại diện Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Vụ Tài chính, Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, T.S Hà Công Tuấn - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (VAERD), nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đại diện Văn phòng UBND tỉnh và các Sở, ban ngành cấp tỉnh có liên quan.
Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí là một trong số ít phương thức khai thác tài nguyên trong hệ thống rừng đặc dụng mang lại lợi ích kinh tế, góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Vườn Quốc gia Bạch Mã được biết đến là trung tâm của dải rừng tự nhiên còn lại duy nhất của Việt nam nối từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào, là một trong những khu vực giàu đa dạng sinh họ của việt Nam và trên thế giới.
Bên cạnh Vườn quốc gia Bạch Mã, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền và Khu bảo tồn Sao La với cũng được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, sinh thái, nghĩ dưỡng gắn với bảo tồn giá trị tự thiên và đa dạng sinh học. Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền được ghi nhận là một khu vực đa dạng sinh học trọng điểm toàn cầu với 38 loài thú có vú, 204 loài chim, 35 loài bò sát và lưỡng cư và 755 loài thực vật. Nhiều loài trong số này đã được quốc tế và Việt Nam công nhận là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Khu bảo tồn này hiện chưa được khai thác và hoạt động du lịch. Khu bảo tồn Sao La được thành lập vào năm 2013, có diện tích 15.303,39 ha, độ che phủ rừng hơn 90%, có nhiều tiềm năng thế mạnh về tự nhiên, văn hóa và cũng chưa được khai thác cho hoạt động du lịch.
Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được xây dựng dựa trên các nguyên tắc về phát triển du lịch sinh thái như: Phải phù hợp với các Luật, định hướng phát triển của địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế và các hướng dẫn quốc tế; Hiểu và tôn trọng các giá trị của các khu bảo tồn, các giá trị của thiên nhiên, đa dạng sinh học; Có hệ thống giám sát, biện pháp ứng phó và giảm thiểu với các tác động của du lịch về môi trường thiên nhiên, sự tồn tại và phát triển của ác loài động, thực vật hoang dã; Hạn chế chất phát thải từ hoạt động du lịch; Hoạt động du lịch sẽ được quản lý, vận hành công bằng và minh bạch về lợi ích giữa các bên liên quan…
Các đề án được phê duyệt sẽ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa; nâng cao nhận thức và trách nhiệm và các bên liên quan, khuyến khích các bên tham gia vào các hoạt động bào tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan và các loài động vật, thực vật hoang dã, đồng thời góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khi đi vào thực tiễn sẽ tạo việc làm, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho cộng đồng địa phương cũng như tạo ra nguồn thu bền vững phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển các điểm đến du lịch.
Một số hình ảnh trong cuộc họp: