Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chương trình thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Ngày cập nhật 30/10/2017

Ngày 23/8/2017, Tỉnh Ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Chương trình số 27-CTr/TU về thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ban quản trị website xin đăng toàn văn Chương trình quan trọng này:


CHƯƠNG TRÌNH

Thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng

đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

 

Thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV) ban hành chương trình thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát huy vai trò của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở iền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa; góp phần đa dạng kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đối khí hậu, bảo tồn da dạng sinh học và giữ vững quốc phòng, an ninh.

2. Tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Thực hiện đồng bộ từ khâu quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng hợp lý tài nguyên; từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái… Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng.

3. Quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư. Lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị, xác định rõ lộ trình triển khai, thời gian hoàn thành; phân công cụ thể từng đồng chí cấp ủy viên, người đứng đầu tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong toàn tỉnh.

II. NỘI DUNG

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

1.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhất là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Chỉ thị 13-CT/TW và các văn bản có liên quan của Trung ương và của tỉnh đến từng chi bộ, đảng bộ cơ sở, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Thực hiện các chuyên đề, chuyên mục về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng, chống cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biên soạn và phát hành các ấn phẩm, cẩm nang để tuyên truyền đến tận các xã, thôn, bản. Phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bằng các hình thức đa dạng, phong phú.

1.2. Phân công: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo chung. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì; các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy phối hợp tổ chức thực hiện.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng

2.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Nâng cao trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu trong việc thực hiên quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; xác định phương châm quản lý địa bàn tốt nhất là cấp xã và thôn, bản.

- Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiếp tục giao đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư quản lý theo hướng cho thuê có thời hạn không thu tiền sử dụng đất. Xác định mốc giới các loại rừng ngoài thực địa gắn với giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

- Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội miền núi để tạo sinh kế bền vững, nâng cao mức sống người dân nhằm giảm áp lực lên rừng tự nhiên. Tổng kết mô hình thí điểm quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp xã để nhân rộng.

2.2. Phân công: Đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạo chung. Các đồng chí Tỉnh ủy viên chủ trì theo từng lĩnh vực được phân công; các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

3. Thực hiện hiệu quả quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng

3.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Nâng cao chất lượng, tổ chức quản lý quy hoạch, kế hoạch và các đề án, dự án bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối vưới cá quy hoạch chuyên ngành theo hướng cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, bảo đảm phát huy và khai thác bền vững giá trị kinh tế, môi trường của các hệ sinh thái rừng.

- Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích và chất lượng rừng, nhất là diện tích rừng tự nhiên; không chuyển đổi các diện tích rừng tự nhiên sang mục đích khác (ngoài mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định).

- Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá lại quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, phân định rõ lâm phận ổn định của các khu rừng phòng hộ, đặc dụng và các vùng nguyên liệu rừng trồng.

3.2. Phân công: Đồng chí Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức thực hiện.

4. Đẩy mạnh phát triển, nâng cao giá trị của rừng

4.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng theo hướng tập trung, thâm canh; trồng rừng cây bản địa, gỗ lớn. Ưu tiên phát triển sản xuất giống cây lâm nghiệp; trồng lâm đặc sản dưới tán rừng có chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng. Xây dựng thí điểm các mô hình trồng rừng bằng các giống cây trồng mới có năng suất cao; tổ chức đánh giá, đưa vào áp dụng sản xuất lâm nghiệp.

- Làm giàu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bằng các loài cây bản địa để nâng cao chất lượng và giá trị đa dạng sinh học của rừng. Khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tham gia kinh doanh rừng gỗ lớn theo chuỗi giá trị, tham gia chứng chỉ rừng bền vững (FSC); nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ người dân miền núi ổn định cuộc sống thông qua các đề án phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.

- Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của tỉnh về giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng.

4.2. Phân công: Đồng chí Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức thực hiện.

5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra gắn với thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

5.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Thực hiện đề án, kế hoạch thanh tra theo Chỉ thị của Trung ương, địa phương nhằm tăng cường quản lý định hướng sử dụng rừng, đất rừng của các ban quản lý, các công ty lâm nghiệp đang quản lý và diện tích đã giao cho các địa phương có nguồn gốc từ ban quản lý, công ty lâm nghiệp. Từ kết quả kiểm kê, thanh tra, xử lý để thu hồi, giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp, lập hồ sơ quản lý cho từng chủ rừng; đây là căn cứ để gắn trách nhiệm cụ thể của chính quyền cơ sở và các chủ rừng trong thực hiện trách nhiệm quản lý rừng.

- Các địa phương rà soát, lập phương án đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, đất có rừng trồng chưa giao để giải quyết cho các hộ gia đình, cá nhân thực sự thiếu đất theo hướng cho thuê đất không thu tiền sử dụng đất. Diện tích còn lại, tổ chức đấu giá thuê quyền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp, chủ trang trại có đề án khả thi, bảo đảm thực hiện tốt tích tụ đất lâm nghiệp, hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị.

- Đối với diện tích rừng tự nhiên chưa giao, chưa cho thuê do các địa phương quản lý, tổ chức rà soát, lập phương án giao rừng cho hộ gia đình, cá nhận, cộng đồng dân cư thôn hoặc cho tổ chức, doanh nghiệp thuê rừng để kinh doanh du lịch, phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng theo đúng quy định pháp luật.

- Lập phương án cắm mốc ranh giới tại các chủ rừng và tổ chức việc cắm mốc ngoài thực địa nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý rừng.

5.2. Phân công: Đồng chí Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức thực hiện.

6. Ngăn chặn hiệu quả và đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp

6.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng cụ thể. Tổ chức quán triệt, triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng đến tận chi bộ thôn, cụm dân cư. Chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, truy quét tại các địa bàn trọng điểm để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống chặt phá rừng. Đẩy mạnh giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng của các chủ rừng.

- Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và đấu tranh, điều tra xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật và các hành vi bao che, tiếp tay. Kịp thời điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc có liên quan đến hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật. Xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ hộ khẩu, tạm trú tại các điểm nóng phá rừng; tăng cường quản lý và xử lý nghiêm các phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ vận chuyển lâm sản trái phép.

- Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương và chủ rừng tổ chức diễn tập chữa cháy rừng. Định kỳ kiểm tra các phương tiện, công cụ bảo đảm sẵn sàng chữa cháy rừng; cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn đóng quân. Tổ chức tuần tra dã ngoại truy quét các đối tượng xâm hại đến tài nguyên rừng ở những nơi được giao cho quân đội quản lý và theo yêu cầu của tỉnh.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực biên giới; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Quản lý chặt chẽ người và phương tiện qua lại khu vực biên giới; tích cực hỗ trợ, phối hợp lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền xã trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng; tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

- Lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản, truy quét tại các địa bàn trọng điểm để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, săn bẫy, mua bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và các loài động vật hoang dã trái phép.

- Đẩy mạnh vai trò giám sát và tham gia tích cực của người dân, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ rừng. Nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng của hộ, nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm lâm luật; đồng thời, có biện pháp bảo vệ người tố cáo, kiên quyết xử lý các hành vi đe dọa, trù dập người tố cáo. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, chống người thi hành công vụ.

- Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý rừng, đất lâm nghiệp nhưng buông lỏng, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng, chống lấn chiếm và chặt phá rừng.

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

6.2. Phân công: Đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính chỉ đạo chung. Các đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên chủ trì theo từng lĩnh vực được phân công; các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

7. Huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

7.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Lồng ghép các nguồn vốn nhà nước và hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác để đẩy mạnh trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển thích ứng biến đổi khí hậu.

- Tăng cường đầu tư từ ngân sách của Nhà nước để bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ theo các quy hoạch, kế hoạch, đề án và dự án đã được phê duyệt.

- Tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư từ mọi thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển tài nguyên cây hương liệu, dược liệu và các lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng thâm canh giống mới, gỗ lớn.

- Đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các trường đại học, các đơn vị nghiên cứu trong nước và các tổ chức quốc tế để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, nghiên cứu chuyển giao các loại giống cây lâm nghiệp, dược liệu, lâm sản ngoài gỗ và công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, phát triển cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

7.2. Phân công: Đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạo chung. Các đồng chí Tỉnh ủy viên chủ trì theo từng lĩnh vực được phân công; các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

8. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

8.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Rà soát, bố trí lại hệ thống các trạm kiểm lâm gắn với tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phù hợp với thực tế. Bố trí đủ lực lượng kiểm lâm tại các địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, có tầm quan trọng đặc biệt; bảo đảm 100% các xã có rừng được bố trí kiểm lâm địa bàn.

- Bổ sung biên chế cho lực lượng kiểm lâm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Thường xuyên điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức kiểm lâm; xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực.

- Ưu tiên nguồn vốn để xây dựng trụ sở; tăng cường trang thiết bị, phương tiện đi lại phù hợp với địa bàn rừng núi, hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, các phương tiện kỹ thuật để theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

- Tiếp tục kiện toàn tổ chức các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Củng cố và kiện toàn Quỹ Bảo vệ rừng cấp tỉnh bảo đảm năng lực tham mưu, thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế.

8.2. Phân công: Đồng chí Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạo chung. Các đồng chí Tỉnh ủy viên chủ trì theo từng lĩnh vực được phân công; các địa phương, các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện.

9. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế; tranh thủ sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để nhanh chóng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

9.1. Nhiệm vụ trọng tâm

- Tăng cường tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế; các mạng lưới bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, kiểm soát mua bán trái phép các loài hoang dã, quản lý các khu bảo tồn… Mở rộng quan hệ hợp tác kỹ thuật với các hiệp hội, tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên tại địa phương.

- Chủ động nghiên cứu, đề xuất các chương trình, đề án, dự án với các bộ, ngành liên quan và các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện các hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển cộng đồng.

- Tăng cường hợp tác quản lý, bảo tồn cảnh quan liên vùng giữa các địa phương giáp ranh, liên biên giới Việt - Lào để bảo tồn và duy trì hiệu suất sinh học của các dải hành lang đa dạng sinh học.

9.2. Phân công: Đồng chí Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

3. Các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế, đảng ủy thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

4. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức việc học tập, quán triệt và tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng thực hiện Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

5. Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.379.211
Truy câp hiện tại 180