Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi cá lồng/bè tại vùng nuôi tập trung
Ngày cập nhật 01/06/2016

Hiện nay, thời tiết đang diễn biến phức tạp, hiện tượng El nino và nắng nóng đang gây hạn hán tại các tỉnh miền Trung làm ảnh hưởng xấu đến nuôi trồng thủy sản. Tại một số địa phương, công tác quản lý vùng nuôi trồng thủy sản còn hạn chế. Hiện tượng cá nuôi lồng tại một số vùng bị chết, ảnh hưởng đến kinh tế và cuộc sống của người dân. Để hạn chế thiệt hại, phòng ngừa các sự cố đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra, ổn định tình hình sản xuất. 

Thực hiện  chỉ đạo Công  văn  984/TCTS-NTTS ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Tổng cục Thủy sản về hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi cá lồng/bè tại vùng nuôi tập trung; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các Huyện, Thị xã chỉ đạo các đơn vị chức năng, liên quan thực hiện quyết liệt một số nội dung sau: 
1. Trong khi chờ Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND Tỉnh ban hành quy định nuôi cá lồng/bè trên địa bàn Tỉnh, đề nghị áp dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định về nuôi cá lồng/bè tại Quy chuẩn Việt Nam “QCVN 01-80:2011/BNNPTNT” - Quy chuẩn Quốc gia cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm-Điều kiện vệ sinh thú y; “QCVN 02-22:2015/BNNPTNT” - Quy chuẩn Quốc gia về cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt - Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. 
2. Hướng dẫn các chi hội nghề cá, người nuôi:
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường quan trọng như oxy hòa tan, pH, H2S, NH3…; Theo dõi và chăm sóc cá nuôi hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Trường hợp khu vực đặt lồng/bè nuôi cá có hàm lượng oxy hòa tan thấp dưới ngưỡng cho phép phải có giải pháp giúp tăng hàm lượng oxy hòa tan cho cá như bổ sung sục khí, máy đảo nước. Không thả cá giống khi môi trường chưa đảm bảo, thực hiện nuôi đúng mật độ (20-30 con/m3), giãn thưa khoảng cách giữa các lồng/bè nuôi; sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống để tránh làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
3. Kiểm tra, rà soát các vùng nuôi tập trung có nguy cơ ô nhiễm, có phương án di dời lồng/bè từ nơi có nguy cơ bị ô nhiễm hoặc gây ô nhiễm đến vùng nuôi an toàn. Khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi cá lồng/bè trên địa bàn huyện, xã cho phù hợp với thực tế, không để người nuôi tự phát sinh vùng nuôi mới, kiên quyết xử lý các hộ nuôi phát sinh không theo quy hoạch. 
4. Thực hiện Kế hoạch 04/KH-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2015 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2015-2020. Các địa phương cần có sự phối hợp tốt với Chi cục Thủy sản để triển khai thực hiện kế hoạch quan trắc hướng dẫn cho các Chi hội nghề cá, các hộ nuôi tự quan trắc nhằm sản xuất có hiệu quả và kịp thời.
5. Đối với cá nuôi đạt kích thước thương phẩm cần khẩn trương thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại.
6. Đối với các Huyện, Thị xã có cá nuôi lồng bị chết: 
- Xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất và các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời để người dân ổn định khôi phục sản xuất. Trong đó, nghiên cứu các đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp. 
- Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan của Sở (Chi cục Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng NLS và Thủy sản) để quan trắc môi trường, thu mẫu cá xét nghiệm bệnh và an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo cho người nuôi biết và phòng ngừa;
- Thực hiện các biện pháp xử lý cá chết theo hướng dẫn tại Điều 18, Điều 19 Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống bệnh động vật thủy sản;
- Kịp thời tổng hợp tình hình, thống kê thiệt hại và báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp chỉ đạo. 
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà chỉ đạo, tổ chức thực hiện và thường xuyên có báo cáo về Sở. (qua Chi cục Thủy sản, số 148 Bùi Thị Xuân, điện thoại/fax: 054.3825552, email: bvnltthtonghop@gmail.com)./.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.379.211
Truy câp hiện tại 10.097