Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
THÔNG BÁO Phòng trừ bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh khảm lá sắn
Ngày cập nhật 26/03/2020

THÔNG BÁO

Phòng trừ bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh khảm lá sắn

 

Hiện nay, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn trên toàn tỉnh khoảng 1.497,6 ha (Phong Điền 973,9 ha; Quảng Điền 170,7 ha; Hương Trà 353 ha), tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 70-80%, sắn giai đoạn phát triển thân, lá và hình thành củ. Việc chỉ đạo tiêu hủy sắn nhiễm bệnh khảm lá khá tốt tại xã Phong Xuân, Phong An, Phong Hiền-Phong Điền,…; một số địa phương chỉ đạo chưa kiên quyết, triệt để nên tiến độ tiêu hủy sắn nhiễm bệnh còn chậm. Diện tích tiêu hủy đến nay khoảng 909,75 ha/1.497,6 ha (Phong Điền: 752,05 ha, Quảng Điền: 87,5 ha, Hương Trà: 70,2 ha). Qua điều tra theo dõi cho thấy: Bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh khảm lá sắn đã và đang phát triển, mật độ 30-50con/cây, nơi cao 100-300 con/cây, giai đoạn ấu trùng, bọ non.

1. Một số đặc điểm của bọ phấn trắng

Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci Gennadius) thuộc họ Aleyrodidae, bộ cánh đều Homoptera. Bọ phấn trắng trưởng thành có kích thước nhỏ, dài 0,75-2,0 mm, sải cánh 1,1-2,0mm trên cơ thể phủ lớp bột màu trắng, ban ngày ẩn nấp dưới mặt lá, hoạt động nhanh và mạnh vào sáng sớm, chiều mát. Bọ phấn trưởng thành có thể bay khoảng cách ngắn, nhưng phát tán phạm vi rộng nhờ gió, trưởng thành đẻ trứng rải rác dưới mặt lá, trứng có màu trắng sau chuyển màu nâu. Ấu trùng có 3 tuổi, tuổi 1 có màu vàng nhạt, khi mới nở có chân, bò dưới mặt lá và cố định một chổ dưới mặt lá. Sau khi lột xác chuyển sang tuổi 2 thì sâu non không còn chân, có thể nhìn rõ mắt kép và râu đầu. Tuổi 3 hình dạng giống tuổi 2, không di chuyển, cuối tuổi 3 ấu trùng lột xác hóa nhộng. Nhộng có hình bầu dục, cơ thể chuyển sang màu trắng đục, đôi lúc ngã vàng, kích thước dài khoảng 0,89-1,09mm, rộng 0,52-0,62 mm. Khi vũ hóa thành trùng chui ra từ phần đầu để lại trên vỏ nhộng vết nứt hình chữ T.

Cả ấu trùng và trưởng thành thường sống và gây hại ở mặt dưới lá bằng cách chích hút nhựa cây làm chết mô lá và tiết nước bọt làm lan truyền mầm bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh khảm lá sắn. Điều kiện thuận lợi để bọ phấn trắng phát sinh phát triển gây hại là thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp, ít mưa…

2. Biện pháp phòng trừ

- Khẩn trương triển khai và chỉ đạo thực hiện theo công văn Số 449/SNNPTNT-TTBVTV ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo tiêu hủy bệnh khảm lá sắn, nhằm hạn chế nguồn bệnh và môi giới truyền bệnh (bọ phấn trắng) trên đồng ruộng.

- Kiểm tra và chỉ đạo phun trừ bọ phấn nơi có mật độ cao, giai đoạn ấu trùng, bọ non bằng các loại thuốc hóa học như Chess 50WG, Topchets 650WG, … Do ấu trùng, bọ non, bọ trưởng thành thường sống và gây hại dưới mặt lá sắn nên phun kỹ dưới mặt lá để tăng khả năng bám dính của thuốc với bọ phấn mới đạt hiệu quả cao.

- Sử dụng bẫy dính màu vàng treo trên đồng ruộng để diệt bọ phấn trắng: Bẫy dính màu vàng có một mặt hoặc 2 mặt dính để bẫy trưởng thành, kích thước 20cm x 38cm. Sử dụng 14-15 bẫy dính cho 1 sào (500 m2), khoảng 20 - 30 ngày thay bẫy dính 1 lần tuỳ thuộc vào bọ phấn vào bẫy. Tiến hành treo bẫy vào cọc và cắm cọc xuống đất sao cho bẫy cao hơn cây từ 15 - 20cm.

 

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên Huế

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 3.450