Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Ngày cập nhật 31/08/2021

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua, do đó, hy vọng rằng, chuyển đổi số sẽ khắc phục triệt để tồn tại này.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn; cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.

Cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Và chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.

Trong trồng trọt, công nghệ IOT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực…

Công nghệ IOT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk.

Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng...

Trong thủy sản, cũng chuyển đổi số mạnh mẽ như việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường, công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nano, công nghệ nuôi lồng trên biển, công nghệ nuôi cá nước lạnh.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất..., giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản...

Để chuyển đổi số trong nông nghiệp, đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất. Nếu có tư duy tốt, có các chương trình phát triển tư duy trực tiếp cho người dân, cứ cho 1 triệu người, có khoảng 10 nghìn người áp dụng tư duy chuyển đổi số thì cũng thay đổi cả triệu người.

Ngoài ra, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.

Quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp.

Thực tiễn cho thấy những thành công của nông nghiệp gần đây cũng có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong nông nghiệp là một giải pháp tổng thể góp phần nâng cao hiệu quả toàn ngành, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả.

Bản thân ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.

Tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mục tiêu chuyển đổi số

Mục tiêu đến năm 2025 về phát triển Chính phủ số trong nông nghiệp đó là cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Về tầm nhìn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 được xác định nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Chuyển đổi số giúp kết nối 9 triệu hộ nông dân với các DN chế biến, thương mại gắn với 100 triệu người tiêu dùng trong cả nước, thậm chí cả hàng tỷ người tiêu dùng trên thế giới. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị đã tồn tại của nền nông nghiệp nước ta hàng chục năm qua.

Mục tiêu chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT là thúc đẩy nông dân, các DN tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Bộ sẽ tham gia vào tất cả quá trình quản lý, giám sát nguồn gốc; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp số nhằm khuyến khích người dân và DN tham gia vào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Bộ NNPTNT đã đặt ra mục tiêu xây dựng 80% cơ sở dữ liệu số về nông nghiệp, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng am hiểu về tri thức nông nghiệp về các lĩnh vực cây trồng, vật nuôi, thủy sản, chế biến… Người nông dân cần được tiếp cận bản đồ số nông nghiệp và được cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại được. Do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai. Nói cách khác, tiến hành nông nghiệp thông minh là tất yếu trong thời đại ngày nay./.

Tham khảo: https://www.mic.gov.vn/

CHI CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN

Website: http://chicucqlcltthue.vn

 

Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.379.211
Truy câp hiện tại 10.616