Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Triển vọng mở rộng diện tích sản xuất giống lúa DT39 tại Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 19/11/2014

Nhằm xác định những giống lúa chất lượng, có năng suất cao, ổn định phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết khí hậu, trình độ canh tác của địa phương; thông qua hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử đã đưa vào sản xuất nhiều giống lúa mới. Tuy vậy số lượng các giống lúa đưa vào sản xuất ổn định còn rất ít, cơ cấu bộ giống lúa, nhất là các giống lúa chất lượng cao chưa phong phú để lựa chọn; chưa có được những giống lúa tốt vừa có năng suất vừa có chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Năm 2014, được sự chỉ đạo của sở Nông Nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh triển khai thực hiện mô hình “ Sản xuất thử các giống lúa mới” với mong muốn từ các mô hình có thể xem xét về năng suất, chất lượng, khả năng thích ứng....để đưa vào cơ cấu giống lúa của tỉnh nhằm đa dạng hóa giống lúa trên địa bàn, thay thế các giống lúa dang sử dụng có biểu hiện thoái hóa, năng suất thấp; góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Giống lúa DT39 được bố trí sản xuất thử ở HTX Hương An và Phú Hồ với quy mô 15 ha, trong đó vụ Đông Xuân 05 ha, vụ Hè Thu 10 ha.
Giống lúa DT39 do Viện di truyền nông nghiệp chọn tạo, qua 2 vụ khảo nghiệm Quốc gia vụ mùa 2011 và vụ xuân 2012 cho kết quả tốt, được đánh giá là giống lúa có triển vọng. Được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 84/QĐ-TT-CLT ngày 8 tháng 3 năm 2013 của Cục Trồng Trọt. Là giống lúa thuộc nhóm chất lượng, có thể gieo cấy được cả 2 vụ; thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân  115±5 ngày. Giống DT39 có ưu điểm nổi trội là chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, năng suất trung bình khá, phù hợp với nhiều loại đất và nhiều vùng khí hậu...nên có thể đưa vào cơ cấu trong sản xuất với diện tích phù hợp nhằm đa dạng giống lúa trên địa bàn tỉnh.
Kết quả đánh giá tại hội nghị đầu bờ cho thấy:
 - Giống DT39 có thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân khoảng 120 ngày, tương đương giống HT1; trong vụ Hè Thu khoảng 88-90 ngày ngắn hơn giống HT1 từ 3-5 ngày. Năng suất đạt 64-68 tạ/ha trong vụ Đông Xuân, trên 58 tạ/ha trong vụ Hè Thu, cao hơn giống HT1 2-3 tạ/ha.
- Sản xuất giống lúa DT39 cho thu nhập tăng 10,5%; lợi nhuận tăng 12,7-15% so với giống HT1 trong cùng điều kiện sản xuất.
- Khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sinh trưởng phát triển của giống DT39 là khá tốt, mức độ nhiễm sâu bệnh hại nhẹ hơn giống HT1, cụ thể là nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn lá trong vụ Đông Xuân; bệnh khô vằn và lem lép hạt trong vụ Hè Thu. Giống có thân cứng, chống đổ ngã tốt, chịu thâm canh, nhưng chịu chua phèn kém, bộ lá về cuối khô sớm, thân có nhiều vết đen.
Về định hướng phát triển giống lúa DT39, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có kết luận: “Trong vụ Đông Xuân phù hợp hơn, sinh trưởng phát triển và cho năng suất cao hơn vụ Hè Thu. Do vậy, trên cơ sở kết quả các địa phương đã sản xuất thử, đề nghị tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích vừa phải”. (Thông báo Kết luận của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa thiên Huế tại Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất thử các giống lúa mới trong năm 2014).
Bên cạnh đó, giống lúa DT39 đang được Công ty TNHH một thành viên Quế Lâm Miền Trung sử dụng trong dự án gạo hữu cơ của công ty. Tại Thừa Thiên Huế, việc sản xuất lúa, gạo hữu cơ là vấn đề mới. Tuy nhiên, trước nhu cầu về an ninh lương thực, việc lạm dụng phân bón, chất kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất cây trồng dẫn đến hậu quả là nông sản kém chất lượng, môi trường và sức khỏe người nông dân lẫn người sử dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Vì vậy, cho nên viêc hướng tới sản xuất sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng cao cung cấp cho thị trường là rất cần thiết, và phù hợp với định hướng phát triển của ngành là tạo được  sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Trong năm 2014, một số HTX đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và bố trí sản xuất lúa hữu cơ với quy mô khá lớn, trong đó Công ty chịu trách nhiệm đầu tư  các loại vật tư phân bón, tiêu thụ sản phẩm thu hoạch với giá cả hợp lý cho người nông dân… nhằm tạo ra sản phẩm gạo hữu cơ hàng hóa cung cấp cho thị trường. Đây sẽ là điệu kiện thuận lợi để mở rộng diện tích sản xuất giống lúa DT39 trong thời gian tới.
Để có thể mở rộng diện tích giống lúa DT39 có hiệu quả, theo chúng tôi:
- Các địa phương cần quy hoạch, bố trí sản xuất tập trung, đủ lớn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận tiêu thụ có hiệu quả.
- Các doanh nghiệp, các đại lý có sự quan tâm tới sản phẩm gạo DT39 cần phối hợp với các đơn vị sản xuất tổ chức tiêu thụ với giá cả hợp lý, qua đó khuyến khích nông dân mở rộng diện tích sản xuất.
- Công ty TNHH một thành viên Quế Lâm Miền Trung cần có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo hữu cơ trên cơ sở áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt và đăng ký nhãn hiệu hàng hoá theo đúng thủ tục quy định về sở hữu trí tuệ để đảm bảo cho hoạt động này được thực hiện một cách ổn định và bền vững. /.

Trung tâm Khuyến nông lâm ngư TT Huế
 
 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 662