Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Kết quả thực hiện các mô hình khuyến nông lâm ngư năm 2014
Ngày cập nhật 22/11/2014

Ngày 18/11/2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các mô hình khuyến nông lâm ngư năm 2014. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Nghiệp và PTNT, đại diện các sở ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế các thị xã, TP Huế và một số hơp tác xã trong tỉnh.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2014 công tác triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông lâm ngư như sau:
1.Các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới:
-  Mô hình cánh đồng mẫu  lúa chất lượng: với mục đích áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, chế biến, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để có sự chuyển biến về chất lượng dịch vụ, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hoá nhằm tăng thu nhập cho người dân.
- Mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trên một số vùng năng suất thấp: Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bằng việc đưa vào sản xuất các giống triển vọng kết hợp ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác của người nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
- Mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học Balasa: để giải quyết vấn đề bức xúc trong chăn nuôi lợn đó là ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi không được quản lý và xử lý đúng cách đã gây ra mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cộng đồng.
- Nuôi luân canh tôm sú  - rong câu trong ao nước lợ: Nhằm  mục đích làm giảm khoảng cách vụ nuôi tôm, ứng dụng các tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường nhưng vẫn đem lại được lợi nhuận cho người nuôi. Rong câu là đối tượng làm giảm acid nền đáy ao và có tác dụng hấp thu một số chất như: nitơ vô cơ hòa tan, phospho, chlorophyll...và làm chuyển hóa nhanh quá trình khoáng hóa mùn đáy ao nuôi
- Các mô hình nuôi thâm canh lươn đồng, mô hình nuôi cua thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp từ nguồn giống sinh sản nhân tạo, mô hình nuôi thâm canh cá điêu hồng bằng lồng, mô hình nuôi thâm canh cá lóc, nuôi chuyển tiếp cá trắm cỏ bằng lồng chất lượng cao, nuôi cá điêu hồng bằng lồng trong hồ Thiềm góp phần đa dạng hóa phương thức và đối tượng nuôi, khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
2. Các mô hình khảo nghiệm các giống mới:
Là cơ sở xác định các giống mới có triển vọng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, để đưa vào cơ cấu sản xuất trong thời gian tới. Trong năm 2014, Trung tâm đã triển khai thực hiện các mô hình sau:
- Mô hình sản xuất thử các giống lúa mới
- Mô hình khảo nghiệm một số giống sắn mới có triển vọng
3.  Các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất:
 Mô hình phát triển nhân rộng mô hình nuôi xen ghép cá đối mục vùng hạ triều ô nhiễm: Được triển khai từ năm 2011, cá đối mục vào nuôi thử nghiệm trong ao nuôi tôm bị bỏ hoang ở vùng hạ triều ô nhiễm và đã khẳng định cá đối mục là đối tượng dễ nuôi, có khả năng cải thiện môi trường. Năm 2013-2014 Trung tâm đã thực hiện mô hình nuôi xen ghép cá đối mục, tôm, cua xanh; đã được đánh giá có hiệu quả và nhân rộng được trên 20 ha. Mô hình đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân sống ven biển và đầm phá (từ thua lỗ do dịch bệnh tôm sú kéo dài đến nay người dân đã có lãi từ 40-60 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nhiều hộ lãi đến 120 triệu đến 150 triệu đồng/ha/năm).
4. Mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị:
- Mô hình sản xuất hành lá.
- Mô hình sản xuất hoa lan Mokara cắt cành
Là những mô hình sản xuất mới trong điều kiện quỹ đất đô thị và vùng ven bị hạn chế.  Trong khi một bộ phận khá lớn nông dân ở khu vực nông thôn chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ khoa học và công nghệ, còn tổ chức sản xuất sản xuất nông nghiệp theo lối quảng canh, truyền thống thì nông nghiệp đô thị có rất nhiều thuận lợi trong việc vận dụng tiến bộ kỹ thuật, những cây trồng vật nuôi mới  vào sản xuất; tận dụng quỹ đất đô thị và sức lao động dôi dư để góp phần quan trọng vào việc giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập trong tiến trình đô thị hóa.
III. Đánh giá kết quả:
1. Các mô hình trồng trọt:
a. Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa:
- Áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật tiên tiến từ gieo cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cánh đồng mẫu; rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu lúa gạo hàng hóa tại địa phương.
- Tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều hành các hoạt động sản xuất, dễ dàng áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhất là trong khâu làm đất và thu hoạch, Tiết kiệm chi phí giống, làm đất, thủy lợi, sử dụng phân bón có hiệu quả từ đó giảm được giá thành, tăng hiệu  quả kinh tế, tạo nên môi trường tích cực nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức kỷ luật của nông dân.
- Đã tạo được sự liên kết giữa các hộ nông dân; tạo mối quan hệ giữa 4 nhà, là cơ sở để tổ chức sản xuất lúa theo hướng hàng hóa, đã bước đầu hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hình thức tổ chức của nông dân thông qua các hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, góp phần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
- Góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm: Do sản xuất cùng một giống có chất lượng không bị lẫn tạp; chăm sóc cùng một quy trình sản phẩm làm ra có chất lượng tốt và đồng nhất, giá trị hàng hóa cao hơn.
- Hiệu quả kinh tế đạt được cao hơn, sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu đã tăng lợi nhuận lên đáng kể (Tăng lợi nhuận ở các đơn vị: HTX Đại Thành 33.82%,HTX Hương Vinh 35.61, HTX Thủy Phù 1 là 39.98%, HTX Phú Lương 1 là 11.06%)
b. Mô hình sản xuất thử các giống lúa mới:
Các giống HN6, HC4, DQ11, DT39 là giống lúa chất lượng mới đưa vào sản xuất thử, năng suất đạt khá cao, phù hợp trên các chân đất được chọn thực hiện mô hình trong năm 2014, đặc biệt những nơi thổ nhưỡng tốt, thâm canh đầy đủ cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, biểu hiện những ưu điểm vượt trội, có thể xem xét để đưa vào sản xuất thử trên chân đất sản xuất HT1 hay bị nhiễm bệnh với diện tích phù hợp nhằm đa dạng giống lúa trên địa bàn tỉnh.
* Về giống HN6:
Giống HN6 trong vụ Đông Xuân có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống HT1 khoảng 10 ngày nhưng trong vụ Hè Thu chỉ ngắn hơn 3-5 ngày. Năng suất HN6 đạt cao nhất trong các giống sản xuất thử, đạt từ 65-70 tạ/ha. Giống HN6 có thể sản xuất trên nhiều chân đất khác nhau, thích hợp nhất trên các chân đất sâu bùn. Là giống có chất lượng gạo ngon, dạng hạt cũng như các tiêu chí khác của gạo đạt tiêu chuẩn, được người tiêu dùng thích hơn giống HT1.
* Về giồng HC4: có thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống lúa HT1 từ 8-10 ngày. Năng suất tương đương HT1 nhưng hơn hẳn về chất lượng và hiệu quả kinh tế, đạt 55 -60 tạ/ha.  Giống có nhược điểm là nhiễm đạo ôn lá nặng hơn so với các giống khác đang sản xuất đại trà, thân nhỏ yếu, lá trải dài nên dễ đổ ngã hơn một số giống khác khi gặp điều kiện bất lợi. Giống lúa HC 4 đã khẳng định được sự vượt trội của chất lượng gạo và giá bán, cao hơn các giống lúa khác 1.000 – 1.500 đồng/kg.
* Về giống DT39: có thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân tương đương giống HT1; vụ Hè Thu ngắn hơn giống HT1 từ 3-5 ngày. Năng suất đạt 60-64 tạ/ha trong vụ Đông Xuân; 54-58 tạ/ha trong vụ Hè Thu.
* Về giống DQ11: có thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân tương đương giống HT1; năng suất giống DQ11 khá cao đạt 60-70 tạ/ha, tuy nhiên thời gian đầu sinh trưởng phát triển chậm, độ thuần trên đổng ruộng chưa cao.
* Về giống Ma lâm 214 và Ma lâm 48: các giống lúa Ma Lâm 48 và Ma Lâm 214 có cùng thời gian sinh trưởng dài hơn thời gian sinh trưởng của giống TH5 khoảng 3-5 ngày. Giống lúa Ma lâm 214 và Ma lâm 48 đạt năng suất trên 62 tạ/ha, cao hơn giống TH5 khoảng 2-3 tạ/ha. Khả năng chống chịu ngoại cảnh bất lợi của giống lúa Ma Lâm 214 và Ma Lâm 48  khá tốt, thân cây cứng, chịu chua phèn, chịu thâm canh, ít sâu bệnh, đặc biệt hơn hẳn giống TH5 về khả năng chịu chua phèn, ít nhiễm rầy, nhiễm khô vằn nhẹ hơn.
c. Mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế sản xuất lúa trên một số vùng năng suất thấp:
Các giải pháp kỹ thuật ứng dụng trong mô hình là sử dụng giống mới, bổ sung phân hữu cơ vi sinh và phun thêm phân bón lá có tác dụng giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất tăng lên trên các vùng đất cát pha nghèo dinh dưỡng, đất chua phèn. Đánh giá kết quả cho thấy, năng suất mô hình đạt cao hơn đối chứng từ 8-10%.
d. Mô hình sản xuất hành lá:
Kết quả đánh giá tại Hội nghị đầu bờ cho thấy, với thời gian trồng từ 45-60 ngày, cây hành lá cho năng suất bình quân khoảng 140 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt 200 tạ/ha; lợi nhuận thu được khoảng 33 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Đây là một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở các vùng ven đô, trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ.
e. Các mô hình sản xuất thử các giống sắn mới, mô hình trồng hoa lan cắt cành: đang tiếp tục theo dõi và đánh giá kết quả.
2. Các mô hình chăn nuôi:
a. Mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học Balasa: Là mô hình  mang lại kết quả rất cao. Toàn bộ chất thải hàng ngày được phân hủy hoàn toàn trong đệm lót nên không còn mùi hôi, giảm ruồi muỗi, môi trường sạch sẽ. Lợn nhanh lớn, ít bị bệnh, tiết kiệm chi phí, công lao động; tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay mô hình đang được bà con chăn nuôi áp dụng và nhân rộng.
Trung tâm có báo cáo chuyên đề về mô hình này.
b. Mô hình nuôi gà Ai cập lấy trứng:
Đây là giống gà thả vườn có năng suất trứng đạt 200-220 quả/mái/năm, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của nhiều vùng. Kết quả theo dõi bước đầu như sau:
- Tỷ lệ nuôi sống đến 20 tuần tuổi đạt 95%.
- Trong lượng gà trống đạt 1,7- 1,8kg/con, gà mái đạt 1,3-1,4kg/con ở 150 ngày tuổi
- Gà đẻ quả trứng đầu tiên ở 132 ngày.
- Tỷ lệ đẻ đạt 25% ở 155 ngày tuổi.
- Trọng lượng và chất lượng trứng giống gà Ri, giá bán từ 3.500 đ/quả tương đương trứng gà Ri
- Gà dễ nuôi, ít bệnh tật, thích ứng tốt với điều kiện nuôi thả vườn ở nông hộ.
- Dự kiến đến tháng 12/2014 tỷ lệ đẻ trứng sẽ đạt 75-78%.
Mô hình đang được tiếp tục theo dõi và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
c. Mô hình thụ tinh nhân tạo bò: tính đến 30/9/2014  có 1.300 con bò cái mang thai; vượt số bò cái mang thai so với chỉ tiêu 1.200 con được phê duyệt. Số lượng chia ra các huyện, thị như sau: Phong Điền: 460 con, Quảng Điền: 65 con, Hương Trà: 190 con, Hương Thủy: 285 con, Phú Vang: 150 con, Nam Đông: 110 con và TP. Huế: 40 con
- Bê lai sinh ra đạt chất lượng tốt, được người chăn nuôi chấp nhận (tinh đực giống Brahman đỏ).
 - Khối lượng sơ sinh: Bê lai F1 đạt ≥ 20kg/ con; bê lai F2 đạt 30kg/ con (so với bê bò vàng địa phương khoảng 12-15 kg/con)
- Khối lượng bê lai 6 tháng tuổi đạt ≥ 120kg/ con; tốc độ tăng trọng cao hơn  gần gấp đôi so với bê bò vàng địa phương cùng tháng tuổi.
- Bò lai có  tỷ lệ thịt xẻ cũng cao hơn so với bò địa phương (49%  so với 43%).
d.Mô hình chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính:
Mô hình chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính thuộc Dự án “Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông Việt Nam trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải: Giảm thiểu khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia do Trung tâm Khuyến nông lâm ngư Thừa Thiên Huế triển khai; với quy mô 10 con bò của 2 hộ tham gia mô hình. Đã cung cấp các loại vật tư như thức ăn tinh, thức ăn thô; hỗ trợ trồng cây thức ăn, tảng liếm, thuốc thú y cho 10 con bò thí nghiệm; hỗ trợ xây 1 bể Biogas. Đàn bò thí nghiệm được theo dõi sát, các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu của mô hình. Trung tâm đã tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền về hiệu quả của dự án.
Mô hình chăn nuôi đại gia súc nhằm giảm phát thải khí nhà kính đem lại lợi ích rất lớn về kinh tế, xã hội và môi trường.
Các hộ tham gia mô hình thấy được hiệu quả của mô hình nên họ tiếp tục áp dụng kỹ thuật, chuẩn bị dự trữ rơm, hướng dẫn cho những hộ khác cùng tham gia, để ủ rơm cho bò ăn, thu mua sắn phơi khô để phối trộn thức ăn tinh bổ sung thức ăn cho bò.
e. Mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã:
Các hoạt động chủ yếu là cấp các loại thuốc kháng sinh tổng hợp, vắcxin, thuốc sát trùng, thuốc ký sinh trùng, vôi bột, tủ bảo quản, cho 200 hộ; hướng dẫn sử dụng các loại thuốc, vôi đúng mục đích; tiêm phòng cho trâu bò; tổ chức 4 lớp tập huấn;  xây dựng 8 pano, bảng để tuyên truyền; thành lập mạng lưới thú y ở xã.
Các kết quả đạt được:
Đã tiêm phòng LMLM vụ xuân đạt 100%, vụ thu đang tiến hành tiêm, về THT đang tiêm đạt  90-95%  cao hơn hai năm trước.
Hỗ trợ xây dựng mạng lưới thú y cộng đồng nhằm giám sát, phát hiện dịch bệnh, tuyên truyền kiến thức về công tác phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm, an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.
Giúp cho người chăn nuôi và cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm một cách hiệu quả.
3. Các mô hình thủy sản:
a. Nuôi luân canh Tôm sú  - Rong câu trong ao nước lợ
Việc thực hiện mô hình nuôi luân canh tôm sú - rong câu trong ao nước lợ  nhằm  mục đích làm giảm khoảng cách vụ nuôi tôm, ứng dụng các tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) đến môi trường nhưng vẫn đem lại được lợi nhuận cho người nuôi. Rong câu là đối tượng làm giảm acid nền đáy ao và có tác dụng hấp thu một số chất như: nitơ vô cơ hòa tan, phospho, chlorophyll...và làm chuyển hóa nhanh quá trình khoáng hóa mùn đáy ao nuôi. Sau 4 tháng nuôi, kết quả tôm Sú đạt được trọng lượng trung bình 20 g/con, tỷ lệ sống đạt 62,7%, năng suất: 1,86 tấn/ha đã được người dân đánh giá cao; lãi 50 triệu đồng.
Rong câu được trồng từ tháng 8 - 12/2014. Hiện nay, rong sinh trưởng và phát triển tốt, cán bộ kỹ thuật cùng với hộ mô hình đang theo dõi và chăm sóc.
b.Nuôi thâm canh lươn đồng: Sau 6 tháng thả nuôi, trong lượng trung bình 250 - 300 g/con, tốc độ sinh trưởng đạt yêu cầu.
c. Mô hình phát triển nhân rộng mô hình nuôi xen ghép cá đối mục vùng hạ triều ô nhiễm.
Qua thực hiện mô hình, đã góp phần phát triển và nhân rộng được trên 20 ha. nuôi xen ghép cá đối mục trong toàn tỉnh. Mô hình đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân sống ven biển và đầm phá, từ thua lỗ do dịch bệnh tôm sú kéo dài đến nay người dân đã có lãi từ 40-60 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nhiều hộ lãi đến 120 triệu đến 150 triệu đồng/ha/năm.
d. Mô hình nuôi cua thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp từ nguồn giống sinh sản nhân tạo:
Việc phát triển mô hình nuôi cua thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp từ nguồn giống sinh sản nhân tạo nhằm đa dạng hình thức nuôi ở vùng đầm phá Thừa Thiên Huế, giảm áp lực đối với việc khai thác nguồn cá nhỏ thức ăn chính của cua nuôi hiện nay, giảm áp lực từ nghề nuôi chuyên tôm kém hiệu quả. Sau 4 tháng thả nuôi cua sinh trưởng và phát triển tốt. Cua đạt trọng lượng trung bình: 297g/con, tỷ lệ sống 50,3%. Lãi: 34 triệu/0,3ha/hộ. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế giúp cho người nuôi mạnh dạng đầu tư, phát triển nghề nuôi góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi cua ở địa phương ổn định và bền vững.
e. Mô hình ương cua khay bằng thức ăn công nghiệp:
Sau 4 tháng ương, cua đạt 25g/con; tỷ lệ sống đạt 50%; lợi nhuận thu được 7,85 triệu.
f. Mô hình nuôi  thâm canh cá Điêu hồng bằng lồng:
Cá sinh trưởng và phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 502g/con; tỷ lệ sống đạt 70,5%.
g. Mô hình nuôi thâm canh cá lóc:
  Đến nay hộ thực hiện mô hình đang theo dõi và chăm sóc, trọng lượng cá 250-270g/con; tỉ lệ sống ước đạt 75%. Dự kiến đến tháng 11/2014 cá đạt trọng lượng trung bình 500g/con, tỉ lệ sống ước đạt 70-71%.
h. Nuôi chuyển tiếp cá trắm cỏ bằng lồng chất lượng cao.
Thả nuôi ngày 10/7/2014. Cá đang sinh trưởng và phát triển tốt; tỷ lệ sống đạt khá cao, cá đạt 1,8 - 2,2 kg/ con. Đang tiếp tục chăm sóc và theo dõi.
i. Nuôi cá điêu hồng bằng lồng trong hồ Thiềm: Thời gian thực hiện: 5-12/2014. Đến nay cá đạt 120 - 150 g/ con, sinh trưởng và phát triển tốt. Đang tiếp tục chăm sóc và theo dõi.
III. Những kết quả nổi bật của các mô hình khuyến nông lâm ngư năm 2014:
- “Cánh đồng mẫu lúa chất lượng” là mô hình liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp để thâm canh lúa hiệu quả, tiến tới xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao. Với mô hình này, vai trò của liên kết đã phát huy những ưu điểm, lợi thế của nó trong sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là một hình thức mới vừa thực tiễn vừa khoa học, vừa mang yếu tố cộng đồng vừa cụ thể về các lợi ích kinh tế. Kết quả đánh giá cho thấy, thực hiện sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu đã làm gia tăng giá trị thu nhập, lợi nhuận so với sản xuất lúa bình thường; qua đó người nông dân áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất tiên tiến từ gieo cấy, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cánh đồng mẫu; bước đầu tạo sự liên kết giữa các cá thể để làm tiền đề cho sản xuất lúa theo hướng hàng hóa. Vì vậy, năm 2014 toàn tỉnh đã có trên 1.300 ha lúa tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu.
- Là hoạt động được tiến hành thường xuyên, liên tục; việc bố trí khảo nghiệm sản xuất, sản xuất thử các giống lúa mới có triển vọng, là cơ sở để Sở Nông nghiệp và PTNT xác định được một số giống có thể triển vọng thay thế các giống đang sản xuất, như Hương cốm 4, HN6, DT39; đặc biệt đã sản xuất thử thành công nhiều giống lúa có chất lượng gạo ngon, được thị trường ưa chuộng.
- Mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học balasa: Đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường do phân thải gây ra, không còn mùi hôi như trước đây, hạn chế ruồi muỗi. Tiết kiệm được nước rửa chuồng và công dọn chuồng hàng ngày, lợn sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị bệnh. Nuôi lợn trên đệm lót rất phù hợp với các vùng dân cư đông đúc, vùng chăn nuôi đang bị ô nhiễm, vùng có nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng.
- Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo bò đã góp phần cải tạo đàn bò trong tỉnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
- Một số mô hình thủy sản đã giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi hình thức, đối tượng nuôi từ nuôi chuyên tôm không có hiệu quả sang nuôi xen ghép tôm sú, cá kình, rong câu;  cá đối, cua, tôm...để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ổn định và bền vững. Đến nay, các mô hình nuôi xen ghép đã phát triển và nhân rộng được trên 2978,8ha/4336,3 ha nuôi nước lợ và góp phần giảm diện tích nuôi bị nhiễm bệnh từ 119,9 ha (năm 2013) xuống còn 64.74ha (năm 2014). Mô hình đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân sống ven biển và đầm phá, từ thua lỗ do dịch bệnh tôm sú kéo dài đến nay người dân đã có lãi từ 30-60 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có nhiều hộ lãi đến 120 triệu đến 150 triệu đồng/ha/năm.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 1.159