Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Quyết định 72, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm chân trắng có điều kiện trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô.
Ngày cập nhật 19/12/2014
Tôm giống chân trắng

Ngày 27/11/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi tôm chân trắng có điều kiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý môi trường vùng đầm phá.

Theo đó, để được nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô phải đảm bảo các quy định chung:

Cơ sở nuôi tôm chân trắng phải nằm trong vùng quy hoạch, phải đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn; có biên bản đánh giá cơ sở đủ điều kiện để nuôi tôm chân trắng thâm canh trên vùng đầm phá của cơ quan chuyên ngành và được sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm chân trắng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường.  

Ngoài các quy định trên còn phải đảm bảo các điều kiện sau:

Điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi: Ao nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2 đối với những ao nuôi xây dựng sau năm 2010 và có diện tích mặt nước tối thiểu 2.000 m2 đối với những ao nuôi xây dựng trước năm 2010. Độ sâu từ đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 2,0 m. Đáy ao dốc nghiêng về phía cống thoát từ 8o - 10o. Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, cống cấp phải có lưới chắn lọc nước. Phải có hệ thống xử lý nước cấp và chất thải. Ao chứa (lắng) chiếm từ 15 – 20 % tổng diện tích mặt nước vùng nuôi. Cơ sở nuôi tôm phải có kênh cấp và kênh thoát nước riêng biệt.

                                                                                             

                                             Tôm chân trắng thương phẩm

Điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng: Cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho vận hành sản xuất. Đối với các cơ sở nuôi tôm cao triều ven phá khuyến khích cộng đồng người nuôi thực hiện xây dựng hệ thống kênh cấp, thoát nước và hệ thống bơm nước cho cả vùng.

Các quy định về quy trình công nghệ nuôi tôm: Việc thả nuôi phải bảo đảm tuân theo khung lịch thời vụ của ngành. Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi. Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý và phải đảm bảo chất lượng. Giống vận chuyển, thả nuôi phải được kiểm dịch của cơ quan thú y, chấp hành quy định về xét nghiệm (đặc biệt đối với một số bệnh nguy hiểm như:  Đốm trắng, hội chứng taura, đầu vàng, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu…) và các quy định về quản lý chất lượng con giống. Cỡ giống thả nuôi tối thiểu Postlarvae 12 (P12), chiều dài tối thiểu 9 mm. Mật độ thả nuôi thâm canh 60 - 100 con P12/m2, có hệ thống quạt nước. Thức ăn, thuốc, hóa chất,… phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và phải còn hạn sử dụng. Chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thức ăn tươi sống. Khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh cho phù hợp; số lần cho tôm ăn từ 2-5 lần/ngày tùy theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất và tình hình thực tế. Mực nước ao nuôi duy trì thấp nhất 1,4 m. Nước thải và chất thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Cơ sở nuôi tôm chân trắng phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất.

Như vậy, để nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá đạt hiệu quả và phát triển bền vững theo hướng bảo vệ môi trường, tránh ô nhiễm cục bộ và toàn vùng; các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký và thả nuôi đảm bảo theo các quy định của Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                 Người viết                                                                                  Phạm Thị Ánh - Chi cục Nuôi trồng Thủy sản                                                                                                                                                                                                                                             

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 721