Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Một số vấn đề cần quan tâm khi sản xuất các giống lúa chất lượng
Ngày cập nhật 23/12/2014

Năm 2014, diện tích sản xuất các giống lúa có chất lượng cao trong toàn tỉnh đạt trên 9.300 ha, chiếm khoảng 17 % diện tích gieo cấy, tăng 450 ha so với năm 2013. Các giống lúa chất lượng chủ yếu là HT1, IR352...và một số giống khác. Trong thời gian gần đây các giống lúa chất lượng đang sử dụng phổ biến có biểu hiện thoái hóa như năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh nên bà con nông dân có xu hướng chuyển sang các giống khác.

Nhằm xác định các giống lúa có triển vọng thay thế các giống lúa có biểu hiện thoái hoá trong sản xuất, công tác khảo nghiệm các giống lúa mới được quan tâm đúng mức, có nhiều giống lúa mới đã được khảo nghiệm có kết quả và một số giống như HN6, BT7, HC4…. đã được đưa vào sản xuất thử với quy mô lớn tại một số địa phương. Trong thời gian trước mắt, đây là những giống lúa có triển vọng, có khả năng phát triển mở rộng diện tích. Đánh giá thực tế cho thấy giống HN6, BT7, HC4,… có năng suất tương đương các giống đang sử dụng đại trà, chất lượng gạo ngon, dễ tiêu thụ, giá bán cao hơn các loại khác. Đặc biệt, giống lúa HC4 được người tiêu dùng trên địa bàn đánh giá cao về chất lượng gạo và  đang được HTX Thủy Thanh 2, thị xã Hương Thủy xúc tiến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm này. Nhằm giúp bà con nông dân sản xuất các giống lúa mới đạt kết quả tốt, chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề cần quan tâm, lưu ý khi sản xuất các giống lúa này.
1. Về đặc điểm của giống:
a. Giống lúa Bắc thơm số 7 (BT7): Giống có khả năng đẻ nhánh khá, khóm gọn, lá hơi lướt, dạng hạt thon nhỏ, màu vàng sẫm. Khả năng chống đổ và chịu rét trung bình. Giống nhiễm nhẹ đến trung bình với rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh khô vằn. Thời gian sinh trưởng gieo sạ vụ Đông Xuân khoảng 125±5 ngày; vụ Hè Thu gieo sạ: 100±5 ngày, dài hơn các giống đang sản xuất đại trà từ 7 -10 ngày.
b. Giống lúa HN6:  Giống lúa HN6 có dạng khóm  gọn, đẻ nhánh khá, lá đứng, trỗ bông tập trung, hạt  dài, chất lượng cơm dẻo, ngon, vị đậm. Có khả năng thích ứng rộng, chống đổ khá, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh khá. Thời gian sinh trưởng vụ Đông xuân110 ± 5 ngày, vụ Hè thu 90 ± 5 ngày (gieo sạ).
c. Giống lúa Hương cốm 4 (HC4): Thân mảnh, đẻ khỏe, nhiều bông, lá xanh sáng, bản lá hẹp. Ở giai đoạn lúa đẻ nhánh: phiến lá dài, nhỏ, lá hơi lướt. Ở giai đoạn làm đòng - trổ: lá thẳng đứng, lá đòng mo, bông dài, hạt nhỏ dài xếp sít, trỗ bông tập trung. Giống HC4 kháng tốt  bệnh bạc lá, không có khả năng kháng rầy, nhiễm bệnh khô vằn, đạo ôn, lem lép hạt.
2. Về kỹ thuật sản xuất:
a. Thời vụ: Bố trí cùng thời vụ với nhóm ngắn ngày và cực ngắn, riêng giống Bắc thơm 7 xuống giống sớm hơn 7-10 ngày.
    
b. Đất đai: Các giống lúa trên có thể sản xuất trên nhiều chân đất nhưng phù hợp nhất trên đất có độ phì khá.
c. Lượng giống gieo: Giống HN 6 sử dụng với mức 05 kg/sào, riêng các giống BT7, HC4 có trọng lượng hạt thấp, chỉ nên sử dụng 04 kg giốngsào (500 m2).
d. Bón phân:
Các giống lúa BT7, HC4 không phải là giống thâm canh, chỉ sử dụng lượng phân ở mức phải. Các giống này nhiễm đạo ôn lá nặng hơn so với các giống khác nên cần bón cân đối các yếu tố dinh dưỡng như đạm, lân, ka li; bón nặng đầu nhẹ cuối, có thể giảm hoặc không bón thêm đạm trong giai đoạn đón đòng (trừ những ruộng sinh trưởng kém)  tăng cường thêm lượng kali nhằm hạn chế bệnh đạo ôn gây hại. Ngoài ra, cần lưu ý đến điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết, tình hình sinh trương của lúa qua từng giai đoạn để có điều chỉnh lượng phân bón phù hợp.
đ. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại:
- Điều tiết nước hợp lý để lúa sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh hại phát sinh và nâng cao hiệu quả phòng trừ.
- Về phòng trừ sâu bệnh:
+ Đối với giống BT7: Các đối tượng thường gây hại nặng là bệnh đạo ôn lá vào thời kỳ đẻ nhánh rộ, rầy nâu vào thời kỳ cuối vụ.
+ Đối với giống HC4: Cần lưu ý đến bệnh đạo ôn lá trong vụ Đông Xuân.
* Các biện pháp phòng trừ:
+ Đối với bệnh đạo ôn lá: Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như vệ sinh đồng ruộng, sử dụng lượng giống gieo hợp lý, bón phân cân đối và đúng kỹ thuật, thăm đồng thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời; khi ruộng có biểu hiện kéo lá kết hợp điều kiện trời nhiều mây, sáng có sương mù, ngày nắng…bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại, cần tiến hành phun phòng bằng các loại thuốc đặc hiệu như Fuji-one, Beam trên toàn bộ diện tích.
+ Đối với rầy nâu: Thường gây hại năng trên giống BT7 vào giai đoạn lúa trỗ - chín. Cần thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để phát hiện kịp thời những ổ rầy xuất hiện cục bộ để theo dõi diễn biến và có giải pháp xử lý kịp thời. Khi rầy xuất hiện với mật độ cao (3.000 -5.000 con/m2) cần xử lý  bằng các loại thuốc Bassa, Chess…để hạn chế tình trạng cháy do rầy. Lưu ý: Khi phun, đưa nước ngập cao gốc lúa, bơm đủ lượng 2 bình/sào 500m2.
    3. Về tổ chức sản xuất:
- Nên bố trí thực hiện với diện tích đủ lớn, tập trung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, chăm sóc, cũng như phòng trừ sâu bệnh một cách đồng bộ, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng một cách thấp nhất. Cần quan tâm đến tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người nông dân.
- Cần quy hoạch, bố trí sản xuất  tập trung, để tạo ra  lượng lớn sản phẩm có chất lượng đồng nhất, có giá trị hàng hóa cao. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tư thương tiếp cận tiêu thụ có hiệu quả; khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tiêu thụ, các HTX ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm với người nông dân, tạo điều kiện thuận tiện và nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất lúa./.
 

Phan Ánh - Trung tâm Khuyến nông lâm ngư
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 1.297