Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Họp trực tuyến triển khai phương án phòng chống áp thấp nhiệt đới gần bờ/ bão
Ngày cập nhật 13/09/2016

      Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, Chiều ngày 12/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành liên quan và 13 tỉnh thành ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận để triển khai phương án ứng phó kịp thời áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ đang có xu hướng mạnh lên thành bão. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì tham dự cùng các thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế

Hồi 16 giờ ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam-Bình Định khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9. Dự báo trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và khả năng cao mạnh lên thành bão.

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh.

Từ đêm nay, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh.

 

Tại hội nghị, các Bộ, ngành và địa phương đã báo cáo tình hình mưa, mực nước các hồ thủy điện, thủy lợi và công tác chỉ đạo, triển khai phương án phòng chống thiên tai.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện mực nước các hồ thủy điện đều cao hơn mức nước chết từ 0,5 m đến 6,9m đang mở mức an toàn, các hồ thủy lợi đang tháo cạn để sẵn sàng đón lũ. Các công trình cống đập vùng hạ du như: đập Thảo Long, Cửa Lác, Cống Quan và các cống qua đê được vận hành mở các cửa để thoát lũ bảo vệ sản xuất.

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã có Công điện số 06/CĐ-PCTT ngày 11/9/2016 chỉ đạo các địa phương đơn vị triển khai phương án ứng phó với ATNĐ và mưa lũ. Các Chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi diễn biến của thời tiết, thực hiện đưa mực nước về thấp nhất trước lũ theo Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình.

Đến 14 giờ ngày 12/9, tất cả các phương tiện tàu thuyền đã vào bờ đang neo đậu tránh trú an toàn, trong đó có 09 phương tiện ngoại tỉnh với 71 lao động đang neo đậu tại cảng Thuận An. Hiện các địa phương đang triển khai rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ven sông, ven biển và vùng gò đồi đến nơi an toàn.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Giao thông tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo phương án để chủ động ứng phó khi có yêu cầu. Điện lực tỉnh đã kiểm tra phương án an toàn lưới điện đặc biệt tại các vùng thấp trũng, ven biển đầm phá; có phương án dự phòng cung cấp điện cho công tác chỉ đạo, điều hành, đấu úng bảo vệ diện tích sản xuất còn lại khi sau mưa lũ.

Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, theo dự báo áp thấp nhiệt đới sau chuyển thanh bão di chuyển rất nhanh từ 15 dến 20km/giờ, vùng bị ảnh hưởng rộng từ tỉnh Nghệ An đến Bình Thuận, trong đó vùng bị ảnh hưởng lớn là từ Quảng Trị đến Bình Định. Vì vậy, các địa phương cần phải chủ động các phương án đối phó, đặc biệt là đảm bảo an toàn về tính mạng con người trên các tàu thuyền đối với các tỉnh từ Khánh Hòa đến Quảng Bình. Qua báo cáo của các địa phương, hiện có 65 nghìn tàu thuyền và 154 nghìn lao động trên các tàu thuyền đã vào bờ neo đậu tại các khu tránh trú bão, song các địa phương phải cấm biển và thường xuyên kiểm tra việc neo đậu.

Cũng theo dự báo, tình hình mưa có thể lớn, lũ các sông suối có thể lên trên mức báo động 3, đặc biệt là lũ quét ở vùng núi; do vậy các địa phương cần rà soát các vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, vùng ngập úng để có phương án bảo vệ các công trình xây dựng, nhà ở của người dân cũng như cảnh báo người dân không đến các ngầm, đập thủy lợi, thủy điện để vớt củi. Các địa phương cần đẩy nhanh thu hoạch lúa vụ hè thu, chú ý đến an toàn sản xuất thủy sản.

Bộ trưởng cũng đề nghị, các lực lượng vũ trang chủ động các phương tiện, lực lượng để sẵn sàng tham gia ứng cứu nếu có tình huống xảy ra. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứ nạn các tỉnh, thành phố trong vùng bị ảnh hưởng chủ động các phương án phòng chống, thường xuyên kết nối thông tin 24/24 giờ với Ban Chỉ đạo Trung ương để có sự chỉ đạo và phương án đối phó kịp thời. Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin về diễn biến của bão và cảnh báo cho người dân để tránh hiện tượng chủ quan và giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngay sau buổi họp trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã triển khai một số nhiệm vụ để chủ động đối phó với diễn biến của ATNĐ và bão trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, từ đầu năm đến nay chưa có mưa lớn, vì vậy rất có thể sẽ có mưa lớn nên các sở, ngành và địa phương cần chủ động chuẩn bị các phương án đối phó theo phương châm 4 tại chỗ, ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động xem xét tình hình mưa bão để thông báo học sinh các trường nghỉ học.

Chi cục Thủy lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 5.394.703
Truy câp hiện tại 1.587