Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 1.200 công trình thủy lợi, bao gồm 56 hồ chứa nước thủy lợi (loại lớn, vừa, nhỏ) và các hồ nhỏ vùng cát khác, 275 đập dâng loại nhỏ, trên 480 trạm bơm điện và dầu, 500 cống, hơn 1.870 km kênh mương (trong đó: đã kiên cố khoảng 1.370 km, còn lại kênh đất),.. để phục vụ tưới, tiêu cho hơn 60.000 ha/năm (trong đó: 54.000 ha lúa 1 đến 2 vụ, 2.330 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 4.500 ha nuôi trồng thủy sản).
Do đặc thù về địa hình, là địa phương có nhiều sông, suối, diện tích đồng ruộng phân tán, diện tích nhỏ, cao độ địa hình đồng ruộng không đồng đều. Vì vậy, ngoài các công trình lớn và vừa như: hồ Tả Trạch, hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ, hồ Khe Ngang, hồ Thọ Sơn, hồ Phú Bài, hồ Thủy Yên, đập Thảo Long, đập Cửa Lác.., các công trình khác như trạm bơm tưới, tiêu, hồ chứa nhỏ, đập dâng và các công trình trên kênh khác đều là những công trình có quy mô nhỏ, diện tích tưới tiêu không quá 300 ha, phổ biến nhiều nhất là công trình loại nhỏ phục vụ từ 20 ha đến 70 ha do địa phương quản lý.
Việc đầu tư xây dựng công trình đầu mối và kênh chính của các hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng chủ yếu do người dân đầu tư xây dựng, hạn chế về nguồn lực cũng như kỹ thuật, thiếu kinh phí tu bổ thường xuyên nên đã phần đã xuống cấp.
Ảnh: Trạm bơm Cống Cao- Thủy Phương, Hương Thủy
Để phát huy hiệu quả của hệ thống công trình thủy lợi, cần thiết phải đầu tư đồng bộ công trình từ đầu mối đến mặt ruộng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng thủy lợi nội đồng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác tiên tiến hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kết quả áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối với các loại cây trồng là 197,8 ha (đạt 0,26%). Vì vậy, việc tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng rất cần thiết để đáp ứng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng với nhiều loại hình như Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương (gồm có 157 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có dịch vụ thủy lợi, 33 tổ hợp tác dùng nước,..) và một số địa phương do UBND cấp xã trực tiếp quản lý khai thác. Một số loại hình quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng chưa phù hợp theo quy định của Luật Thủy lợi như năng lực, trình độ chưa đảm bảo, việc bảo vệ công trình và chất lượng nước trong công trình thủy lợi chưa được quan tâm, chưa thực sự phát huy được vai trò chủ thể của người sử dụng nước, do đó nhiều tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động chưa hiệu quả.
Nhiều loại hình tổ chức thủy lợi cơ sở tồn tại nên rất khó áp dụng một cách đồng bộ cơ chế chính sách hiện hành trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Phần lớn các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động thiếu bền vững; năng lực của cán bộ quản lý yếu cả về tổ chức quản lý và kỹ thuật, phần lớn chưa được đào tạo do thiếu kinh phí.
Vấn đề tài chính của tổ chức thủy lợi cơ sở rất khó khăn, khả năng thu được phí thủy lợi nội đồng rất thấp, đa số là không thu được; khả năng huy động các nguồn vốn hợp pháp khác vào đầu tư rất khó. Công tác thủy lợi trong các Hợp tác xã chưa được coi trọng, bị hòa lẫn vào các hoạt động khác, dẫn đến công tác quản lý và tu sửa công trình thủy lợi ít được quan tâm, thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa, nạo vét, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng thủy lợi, vấn đề quản lý, khai thác thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc phát huy hiệu quả công trình thủy lợi. Do vậy, việc củng cố, phát triển các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động hiệu quả bền vững là thực sự cần thiết.
Ảnh: Kênh tưới vùng rau sạch Quảng Thọ
Sở Nông nghiệp và PTNT đăng tải QUyết định số 481/QĐ-UBND dưới đây